Ba đứa trẻ mồ côi

14/11/2018 03:00:00 PM
Buổi chiều định mệnh ấy, bà Năm Dần rùng mình khiếp hãi mỗi khi nhớ lại. Trời ngớt mưa, hanh nắng. Bà đang lúi húi hái ngọn rau lang ở mé đồi bên kia thì nghe “sấm đất” bất chợt nổ ầm một tiếng. Ngó sang sườn núi đối diện, bà điếng người. Nhà ông Lâm, nhà bà và nhà vợ chồng Út Hợi bị núi lở từ trên cao đổ xuống vùi lấp sạch trơn...

 

Tranh minh họa

- Anh Hai về!

- Anh Hai ơi! Hồi nãy có mấy người lạ đến nhà mình…

Hai chị em song sinh Hiền - Hòa nhác thấy anh trai vác trên vai cái bao gì đó từ ngoài ngõ bước vào, vội ùa ra liến thoắng. Bà Năm Dần đứng ở góc sân nhìn bọn trẻ quấn quýt với nhau, vừa mừng vừa thương. Ba đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ vì họa núi đè sau một tuần trời mưa ầm ào, dai dẳng. Chính quyền địa phương tính chuyện làm hồ sơ thủ tục đưa ba anh em vào trại trẻ mồ côi của tỉnh nhưng thằng Ân nhất quyết không chịu, đành thôi. Xóm núi di dời ra phía ngoài. Bà con mỗi người một tay, lại thêm sự giúp đỡ của các đoàn thể, ba anh em nó có được căn nhà tranh tre nứa lá này. Gia đình bà Năm Dần cũng vậy. Sống gần nhau, bà thường hay qua lại nhắc nhở, bảo ban bọn trẻ. Chúng nó ngoan hiền, biết nghe lời, coi bà như bà nội, bà ngoại của mình. “Hai chị em Hiền - Hòa đã nấu cơm canh xong. Lát nữa, ba anh em dọn ra ăn với nhau rồi học bài sớm, đi ngủ sớm…” - bà Năm Dần nói. Ba đứa trẻ đồng thanh: “Dạ!”.

Trời cũng đã nhá nhem. Đêm ở vùng núi sập xuống rất nhanh. Bé Hiền bật điện. Căn nhà nhỏ bừng sáng. Bé Hòa nói: “Dọn cơm ăn được chưa, anh Hai? Em đói…”. Thằng Ân bảo: “Ừ! Đơm cơm cúng ba mẹ rồi dọn ra ba anh em cùng ăn”. Bé Hiền và bé Hòa đã quen với công việc thường ngày, chẳng mấy chốc đã bày biện trên bàn thờ ba mẹ bữa cơm đạm bạc. Thằng Ân thắp hương vái lạy đấng sinh thành. Rồi ba anh em lấy mâm đặt cạnh bếp lửa hồng, dọn cơm canh ra ngồi ăn với nhau. “Chiều nay đứa nào nấu cơm, đứa nào luộc rau, kho cá?” - thằng Ân hỏi. “Chị Ba nấu cơm, kho cá, còn Út luộc rau” - bé Hòa đáp. “Mà anh Hai hỏi làm chi?” - bé Hiền thắc mắc. Thằng Ân cười: “Thì hỏi cho biết! Cơm nấu ngon, không nhão cũng không khô. Cá kho ăn vừa miệng. Rau luộc chín xanh, không bấy… Hai đứa giỏi quá!”. Được khen, hai em gái tít mắt cười: “Tất cả là nhờ bà Năm chỉ bảo cặn kẽ từng li từng tí đó, anh Hai!”. Bé Hiền nói thêm: “Lúc xế chiều có mấy người lạ tới thăm. Họ cho gạo, nước mắm, dầu ăn và cả chăn mền nữa!”. “Hai đứa có cảm ơn họ không?” - thằng Ân hỏi. “Có! Họ thương anh em mình, họ giúp đỡ…” - bé Hòa trả lời.

Trời tối hẳn. Ăn cơm xong, thằng Ân bảo với hai em: “Hiền và Hòa, hai đứa nghỉ một tí rồi đi học bài. Chén bát để anh Hai rửa cho”. Cũng chẳng có gì nhiều nhặn, thằng Ân động tay một loáng là xong. Úp chén bát vào chạn, giắt đũa vào ống tre, treo nồi niêu lên mấy cái móc cài ở tấm phên cạnh bếp, rồi thằng Ân bước ra sân dòm ngó bâng quơ. Nó nghĩ ngợi gần xa. Cha mẹ qua đời. Ba anh em hóa thành côi cút. Hiền và Hòa học lớp 4. Còn nó đã chớm tuổi mười lăm. Hơn ba năm nữa nó mới thành người lớn. Đến khi đó, nó mới đủ khả năng làm lụng nuôi hai đứa em gái. Hơn ba năm là hơn một nghìn ngày chứ đâu phải ít? Nó còn con nít, liệu có quán xuyến được chu toàn mọi việc? Nó băn khoăn tự hỏi. Và nó cảm thấy hoang mang với câu trả lời không mấy tự tin. Rồi nó trấn tĩnh lại ngay. Bên cạnh ba anh em nó còn có bà Năm Dần, chòm xóm láng giềng và chính quyền địa phương. Biết nương tựa vào nhau, biết nghe lời dạy bảo của mọi người, nhất định ba anh em nó sẽ không bị bỏ rơi. Nghĩ vậy, thằng Ân thấy quyết định của nó là đúng đắn, khi từ chối không vào trại trẻ mồ côi của tỉnh.

Bất thình lình trời đổ mưa lắc rắc.

Nhanh như cắt, thằng Ân chạy vào nhà. Hiền và Hòa đã ngoẹo đầu ngủ gục trên bàn học tự bao giờ. Thương em, nó không nỡ đánh thức hai đứa dậy. “Hiền và Hòa học buổi chiều. Ngày mai, hai đứa còn cả buổi sáng…”. Thằng Ân nhủ thầm. Nó lần lượt bế Hiền và Hòa vào giường đặt nằm ngay ngắn, đắp chăn, thả mùng, nhém mí thật kỹ, đề phòng muỗi chui vào đốt. Nhìn lên bàn thờ ba mẹ thấy hương đã tàn, nó đốt ba cây khác cắm vào bát hương rồi lặng lẽ ngồi vào bàn học bài. Ngày mai là thứ Hai. Một tuần nữa lại bắt đầu…

...

“Chúng cháu bảo nhau, sáng dậy thật sớm nhưng hôm nào cũng ngủ quên. Không có bà đến gọi, chắc anh Hai phải nhịn đói đi học”. Hiền và Hòa trông thấy bà Năm Dần bước vào sân, cười nói. “Mấy đứa đang tuổi ăn tuổi ngủ, bà biết vậy mới sang nhà gọi. Mà cũng đã trưa rồi, hai đứa nấu cơm canh chưa?”. Bà Năm Dần hỏi. “Dạ, xong rồi bà ạ!”. Hòa mau miệng trả lời. Còn một sải chân nữa là bóng nắng lùi hẳn vào mái hiên. Lúc đó, thằng Ân đi học về. Bà Năm Dần vào bếp kiểm tra xem hai chị em lo chuyện bếp núc thế nào. Qua cầm tay chỉ việc mấy lần, hai đứa sáng dạ, nấu nướng được lắm. Bà Năm Dần mừng thầm. “Hiền và Hòa đi tắm đi rồi về chuẩn bị sách vở cho vào cặp để trên bàn. Ăn trưa xong, đi học, khỏi quên thứ này thứ nọ…”. “Dạ!”. Bà Năm Dần là chỗ thân tình với cha mẹ của ba đứa trẻ. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi đứa con trai bé bỏng. Bây giờ con trai bà đã lớn khôn, làm việc ở xã. Nhà hai mẹ con bà ở gần nhà ba đứa trẻ, vì thế, bà mới thường xuyên ghé tới bảo ban chúng nó làm quen với cuộc sống tự lập. Không nói ra nhưng bà rất vui khi thấy chúng nó thích nghi với hoàn cảnh của mình.

Buổi chiều định mệnh ấy, bà Năm Dần rùng mình khiếp hãi mỗi khi nhớ lại. Trời ngớt mưa, hanh nắng. Bà đang lúi húi hái ngọn rau lang ở mé đồi bên kia thì nghe “sấm đất” bất chợt nổ ầm một tiếng. Ngó sang sườn núi đối diện, bà điếng người. Nhà ông Lâm, nhà bà và nhà vợ chồng Út Hợi bị núi lở từ trên cao đổ xuống vùi lấp sạch trơn. Hàng vạn, không, hàng chục vạn tấn đất đá và cây cối sụt lở, mở ra cái vách toác hoác ở góc núi. Nhà cửa, vườn tược chẳng thấy đâu, chỉ thấy một bãi đất đá và cây cối ngổn ngang… Bà Năm Dần đứng chết trân. Khi mọi người ở xóm ngoài í ới gọi nhau bà mới hoàn hồn. Cả gia đình ông Lâm chết thảm. Còn Út Hợi và Bốn Lê - cha mẹ của ba đứa trẻ, tìm kiếm mấy ngày trời mới thấy thi thể. Ba đứa trẻ may mắn thoát khỏi bàn tay của tử thần nhờ đi học và đi sinh hoạt ngoại khóa. Xóm gồm chục hộ, bảy nhà ở mé ngoài cũng có dấu hiệu sạt lở. Chính quyền địa phương vội di dời tất cả ra nơi ở mới. Nhà bà và nhà bọn trẻ chỉ cách nhau độ mươi mét mà thôi.

...

Cuối tháng 5. Ba anh em thằng Ân nghỉ hè. Bọn trẻ không những được lên lớp mà còn được nhà trường tuyên dương. Cả ba đem giấy khen về khoe với bà Năm Dần. “Được đó! Mấy đứa cố gắng học giỏi mới có cơ hội đến trường học tập, vui chơi với bạn bè. Học không ra chi thì phải ở nhà, thui thủi nơi xóm núi này, buồn lắm!”. Bà Năm Dần nói. Là người luôn quan tâm đến cuộc sống tự lập của ba đứa trẻ mồ côi, bà Năm Dần nhận thấy nỗi đau mất cha mất mẹ của bọn trẻ không dễ nguôi ngoai. Những lúc rảnh rỗi, bé Hiền và bé Hòa, ngồi trước hiên nhà chống cằm nhìn về mái núi sạt lở với ánh mắt thẫn thờ. Hình như thằng Ân cũng biết được điều đó. Nó kiếm cớ sai vặt để hai đứa em không có thời gian nghĩ ngợi gần xa. Và rồi hai đứa trẻ lu bu với công việc được giao nên đã bỏ được thói quen khiến bà Năm Dần nhìn thấy không khỏi nhói lòng đó. Nghỉ hè, bé Hiền và bé Hòa ở nhà. Hai đứa lúi húi nhổ cỏ quanh sân quanh hè, quét dọn nhà cửa sạch sẽ; xế chiều vác rựa ra bìa rừng quơ củi khô đem về chất đầy giàn. Có hôm bận việc, bà Năm Dần không sang nhà, hai đứa trẻ lại chạy qua í ới gọi: “Bà ơi, bà!”.

Qua để ý theo dõi, bà Năm Dần rất mừng khi thấy thằng Ân sớm khôn trước tuổi, biết lo toan cho cuộc sống tự lập của ba anh em. Hai sào ruộng vụ đông xuân được bà con chòm xóm thu hoạch giúp, nó mượn mấy tấm bạt trải ra sân phơi phóng lúa thật khô rồi lót kệ quây ví đổ vào cất ở góc nhà. Cứ mươi ngày nó lại lấy xe đạp thồ hơn nửa bao lúa ra xóm ngoài xay xát, chở gạo về. Vụ hè thu, bà con chòm xóm cũng giúp ba đứa trẻ cày bừa, gieo sạ hai sào ruộng ấy. Thằng Ân ngó vậy mà giỏi giang công việc đồng áng. Cánh đồng bậc thang cách không xa nhà là mấy, ngày nào nó cũng đi thăm ruộng. Khi cây lúa lên xanh, bắt đầu đẻ nhánh, nó lội ruộng nhổ lúa nơi dày đem dặm ở nơi thưa. Rồi nó cùng với hai đứa em nhặt lượm phân trâu bò phơi khô, đập nát, trộn với phân NPK theo tỷ lệ được bà con chòm xóm hướng dẫn, bón lót cho cây lúa. Nhờ chăm bón cẩn thận, giữ nước thường xuyên, ruộng lúa của ba đứa trẻ mồ côi phát triển xanh tốt đều. Nếu giữ không để sâu bọ gây hại, chuột đồng cắn phá, hai sào ruộng ấy đến mùa thu hoạch được cả trăm ang lúa.

Dạo qua mấy đám ruộng của anh em thằng Ân khi đi thăm ruộng nhà mình ở liền kề, bà Năm Dần nhẩm đoán như thế.

...

Ba đứa trẻ mồ côi, theo thời gian cũng dần quen với cuộc sống tự lập; anh nói em nghe, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Thằng Ân không những là chỗ dựa tinh thần cho bé Hiền, bé Hòa, mà còn là trụ cột của một gia đình thiếu mẹ vắng cha. Ba đứa trẻ biết lo toan mọi chuyện, biết lắng nghe những lời khuyên bảo của bà Năm Dần và bà con chòm xóm. Cái ăn cái mặc của chúng nó coi như tạm ổn. Lớn lên tí nữa, học hành tốn kém, chúng nó đã có khoản tiền không nhỏ do các cơ quan, đoàn thể và các nhà hảo tâm giúp đỡ gửi ở ngân hàng. Với số tiền đó, chúng nó có thể trang trải để học hết trung học phổ thông. “Trời Phật thương, phù hộ độ trì, cả ba anh em chúng nó khỏe mạnh, không đau ốm gì thì cũng sẽ có tương lai, bởi lối mở đã sẵn có rồi…”. Bà Năm Dần cảm thấy vui với những ý nghĩ lạc quan…

Nguyễn Tam Mỹ (baoquangnam)