Hãy nghiêng đời xuống...

18/09/2018 10:44:00 AM
... Tình yêu nảy sinh giữa hai người là điều tất yếu... Đồng cảm, sẻ chia và giàu trách nhiệm sẽ là sợi dây xuyên suốt bền chắc giúp Thanh và Loan cập bến bờ hạnh phúc.

 Minh họa: Phan Nhân

Lên Đà Lạt theo lời mời thỉnh giảng của Trường Đại học Yersin dạy cho sinh viên Khoa Kiến trúc năm thứ ba, tôi sực nhớ đến họa sĩ Thanh - từ thời sinh viên Trường Mỹ thuật Sài Gòn đã là “fan” cuồng nhiệt các bậc danh họa Leona de Vinci, Van Goch, Picasso... Ra trường cũng vậy, có thể suốt ngày thao thao về các trường phái hội họa: Tân cổ điển, Lãng mạn, Ấn tượng, Hậu ấn tượng, Dã thú, Nghệ thuật nhận luận... khiến người mới gặp vội nghĩ gã “tẩu hỏa nhập ma”. Mê mỹ thuật châu Âu song Thanh cũng có kiến văn rất sâu về hội họa Trung Hoa cổ. Theo hắn, thời nhà Hán và Lục Triều thường chia làm năm loại chính: Bình, Sách, Quyển, Trục, Phiến. Đơn cử như Quyển (hand-scroll) là loại tranh cuộn theo chiều ngang vốn do gốc tích từ những thanh tre hoặc gỗ nối với nhau thành một chuỗi. Tranh Quyển mở từ phải sang trái vì người Trung Hoa đọc từ trên xuống dưới, phải sang trái nên khi xem một họa Quyển, người ta tuân thủ theo thứ tự đó. Chiều dài Quyển không giới hạn, có khi chỉ một mảnh nhưng có khi rất dài. Nhiều họa sĩ ghi lại cảnh vật của sông Dương Tử hay Vạn Lý Trường Thành trên cùng một Quyển chiều dài hàng trăm thước. Có thể coi đó là một bức tranh hoặc nhiều bức tranh cộng lại... Lập dị trong thường nhật, được cái tranh thể nghiệm các trường phái vẫn được khách Tây, ta tìm mua. Có tiền lại ưa phiêu bạt ra Bắc vào Nam thăm thú, giúp đỡ bằng hữu, có bận rủ bạn lặn hơn tháng trời sang Campuchia nghiên cứu mỹ thuật Ăng-co. Tiền vào tay hắn như gió vào nhà trống. Không ở nhà cha mẹ, lên phố thuê nhà trọ... Đã vài năm chưa gặp. May điện thoại vẫn lưu số Thanh.

- Hello, “bôi sĩ” nghe đây!

- Ồ, chưa li nào hay sao mà giọng vẫn trong veo!

- Trời, ông lên đúng lúc quá! Mấy tháng nay bớt “zô, zô” rồi. Chuẩn bị... “anh đưa nàng về dinh”. Khà, khà... Nhưng trưa nay sẽ phá lệ...

Ngẩn người mừng thầm cho thằng bạn gần ngũ tuần, cũng có mấy cuộc tình vắt vai nhưng các nàng có người làm thơ, người là doanh nhân mến mộ, say đắm cũng chỉ đôi năm rồi thất vọng chia tay “hãy coi em như người em gái” trước chàng lãng tử khoáng đạt, ham chơi, ham vẽ, tôi reo lên:

- Chà chà, tin động trời đấy! Mừng đã “một cõi đi về”. Mình đang ở Cà phê Forget me not Phù Đổng Thiên Vương, Ngã năm Đại học!

Vẫn đôi mắt sáng ngời sự thông minh sau cặp kính dày cộp. Tóc muối tiêu bồng bềnh lòa xòa chấm bờ vai. Bộ đồ jean bạc phếch lem nhem vết sơn dầu xanh đỏ... Thanh lôi trong túi áo ngực ra bình rượu dẹt bằng inox bọc da nâu thường là vật bất ly thân của giới văn nghệ. Gã vẫy cô chủ quán ra hiệu lấy cho 2 chiếc ly. Rót rượu, nheo mắt nhìn tôi qua ly màu hổ phách nâng ngang mày, hào hứng:

- Nào mừng đã nhớ đến mình! Chúc “moa” (tôi - tiếng Pháp) có chốn neo đậu... Lai rai chút rồi về nhà, bà xã tương lai đang xào nấu!

Cạch. Khẽ khà sau ngụm rượu mạnh, tôi bắt tay Thanh, tò mò:

- Ngựa bất kham cũng chịu khoác yên cương à? Chắc ý trung nhân phải cao tay...?

Gương mặt trái xoan trắng trẻo thư sinh ửng hồng chẳng rõ vì rượu hay e thẹn, Thanh trầm ấm trả lời:

- Dài dòng lắm nhưng cũng mới mấy tháng nay thôi!

Nhấp ngụm rượu, vẩy zippo rít sâu hơi thuốc lá, ánh mắt mơ màng theo sợi khói vương tỏa, gã bất chợt hỏi tôi:

 Này ông nhớ chuyện Tái Ông mất ngựa chứ? Kể ra so sánh hơi khập khiễng song vận vào mình đúng lắm.

- Phần đầu chuyện hay phần cuối?

Thanh nháy mắt, gật đầu: - Phần đầu.

Tôi cao hứng nhẩn nha: - Chuyện kể xưa kia ở vùng biên cương nước Tàu gần láng giềng người Hồ, có ông lão tên Tái Ông. Sống lạc quan, bao dung, bởi vậy được rất nhiều người mến mộ. Ông sống bằng nghề chăn ngựa. Một hôm, con ngựa của ông bỏ đi mất. Hàng xóm biết chuyện, nghĩ ông rất buồn nên sang thăm hỏi, an ủi. Lạ thay Tái Ông không tỏ ra nuối tiếc, bình thản trả lời: “Ngựa mất, đương nhiên là chuyện xấu, nhưng ai biết đâu nó sẽ mang lại kết quả tốt? Không sao đâu”... Quả nhiên mấy tháng sau, con ngựa kia trở về và dẫn theo một con tuấn mã... Ồ, lan man rồi, cha nội. Ông vào đề đi!

* * *

Chiều hạ nắng vàng hanh hao, Hiếu - bạn trung học Trần Hưng Đạo sau 1975 (cùng là hậu duệ các “cụ” thuộc tốp 35 cư dân những làng hoa nổi tiếng ven Hồ Tây: Quảng Bá, Nghi Tàm, Ngọc Hà, Vạn Phúc (Hà Đông)... năm 1938 theo chỉ dụ của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Trọng Phu lên tàu hỏa và có cụ còn lo xa đã mang khoảng 2.000 củ giống hoa lay-dơn vào Đà Lạt canh nông phục vụ khu nghỉ dưỡng mệnh danh “petitte Paris” của người Pháp trên cao nguyên) - hối hả: “Nhậu nghe! Có bình Lan gấm, đồng bào K’Ho mang từ Tà Nung ra cho ngâm đã hơn năm... Loại này “thần dược” nhưng e với mày thì hơi phí... Không sao! Quán suối Cam Ly đấy!”. Hai thằng ngồi gật gù chẳng mấy chốc đã cạn chai Lavie 1 lít. Hiếu líu lưỡi:

- Sáng nay, chân phải bước ra cổng. Vớ mấy cuốc taxi về Cầu Đất, thác Prenn nên “đạn” vẫn rủng rỉnh. Lên quán Nướng Phan Bội Châu thêm chầu nữa cho đã!

Lừng xừng nhưng cả nể bạn “nối khố”, Thanh gật đầu OK.

Tia nắng mai rọi làm chói mắt, Thanh tỉnh giấc. Hắn ngơ ngác ngó căn phòng bừa bộn giá vẽ, tranh, quần áo vắt lung tung trên thành ghế... Ơ, khuya qua về bằng cách gì... Đi taxi... Muộn rồi. Vội vàng bấm máy, nghe giọng Hiếu lào khào:

- A lô, gọi sớm thế!

- Dậy đi cha nội, mình ghé nhà ông lấy xe máy nghe.

- Xe, xe nào...?

- Đêm qua, ông chở mình mà. Nhậu xong, say khướt tôi phải gọi taxi...

- Chà, chà... Để nghĩ... Đúng rồi, ông lên taxi thì tôi lại có “độ” bạn gọi tiếp. Vẫy taxi ngay cổng Trung tâm Thương mại chợ Hòa Bình... Cái mũ bảo hiểm của ông tôi mang về nhà đây nè...

Chợt giọng Hiếu luống cuống:

- Chết cha, gay đấy! Thôi cứ sang tôi rồi tính...

Gặp Hiếu, tâm trí cả hai đều không thể mường tượng nổi trạng thái sau chầu nhậu tăng hai ở quán Nướng thế nào. Nó như một quãng phim bị đứt đoạn không thể nào chắp nối. Vậy dọt lên quán Nướng xem có gửi lại xe không? Đến hỏi, chủ quán quen biết Hiếu lắc đầu. Có lẽ tao vội nên cứ để xe ở cửa Trung tâm Thương mại mà tót lên taxi. Đến đó hỏi, đảo lướt hết mấy chục dãy xe máy gửi qua đêm vẫn không thấy bóng dáng chiếc Angel+EZ110 màu đỏ của Thanh.

Gương mặt nhàu nhĩ, Thanh khẽ thở dài, trấn an Hiếu:

- Không sao, tao sửa lại cái Cúp 70 chạy tàng tàng. Nhưng phải nỗi thế nào cô em gái nó chẳng mè nheo...

Quả vậy, chiếc xe Angel+ do cô em gái mới trúng giá mùa hoa hồng lên đời Honda Lead tay ga nên cho Thanh tháng trước. Hay tin, cô xuýt xoa như phải bỏng cằn nhằn: “Trời, trời. Nhậu dữ vậy đến nỗi không nhớ được để xe ở đâu... Tuổi 49 nên năm Mậu Tuất này anh bị sao Thái Bạch chiếu, lại trúng tháng 5 cần kiêng kỵ... Thôi “của đi thay người”! Gặp hạn nhưng sắp tới anh Hai sẽ có quý nhân giúp đỡ”...

Nghe “bôi sĩ” kể thấy hấp dẫn bởi giọng Thanh dịu dàng, ấm áp, âm điệu bổng trầm chuẩn Hà Nội, lại thêm bàn tay nhỏ nhắn, ngón dài thanh mảnh thường lướt réo rắt trên cây guitare những vũ khúc flamenco vui tươi, rộn ràng, thi thoảng lại vung vẩy phụ họa câu chuyện. Thấy vẫn chưa vào trọng tâm, tôi sốt ruột: - Mắc bệnh dài dòng “trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa,... cháy áo” rồi? Cuối cùng thì sao?

- Vội thế! Đại khái thế ni: Khoảng hơn tháng sau, em gái mừng quýnh gọi điện giục lên Công an Phường 1 nhận xe. Hóa ra, khuya đó, thằng Hiếu quá “xỉn” nên dựng xe trước dãy phố Phan Bội Châu, nhảy taxi đi nhậu tiếp. Sáng dân mở cửa thấy xe đọng đầm sương và chìa khóa vẫn cắm ổ, canh chừng đến gần trưa không ai tới lấy mới lên đồn báo. Đồn mang về kho chừng hai tuần vẫn “bặt vô âm tín”, không ai cớ mất, bèn tra biển số xe. Truy ra em gái mình đứng tên song thời điểm mua xe thường trú ở ấp Hà Đông, Phường 8, hơn năm nay chuyển khẩu về Phường 4 nên công an khu vực các phường lần mãi mới tìm ra khổ chủ...

- Chà... người chốn sương mù quá hiền hòa và chân tình... Quả xứng danh “thanh lịch, hiền hòa, mến khách”! Xe vất qua đêm, nơi khác không “bốc hơi” mới lạ... Xét ra, chỉ cánh đệ tử “Lưu Linh” là rách việc, hay gây phiền hà thôi. À, bà xã tương lai cũng dân Đà Lạt?

- Ừ, tên Loan. Chính hiệu “Đà Lạt gốc Thông”, các cụ dân “thần kinh” xứ Huế gần 80 năm trước vào lập ấp trồng rau hoa ở Thái Phiên. Nhà Loan gần đây, trên phố Phan Bội Châu... Này cũng đến giờ về nhà rồi.

Gương mặt rạng rỡ nụ cười chan chứa hạnh phúc, trên đường dạo bộ ven sân golf Đồi Cù về nhà Loan, Thanh vắn tắt: Loan kém anh 9 tuổi. Gốc Huế gia giáo, thùy mị, điển hình “nữ công gia chánh”. Bà nội xưa thợ thêu cung đình nhà Nguyễn nên Loan thừa hưởng nét tài hoa, thêu thùa rất khéo, có hồn. Cũng hơn 10 năm dạy Văn Trường THPT Bùi Thị Xuân - ngôi trường nữ trung học công lập khoác áo màu hồng một thời đầu thập niên 60 thế kỷ XX nhà văn Nguyễn Thị Hoàng gây nổi sóng khen chê trên văn đàn, dư luận xã hội bởi tác phẩm “Vòng tay học trò”. Gần 2 năm nay, Loan nghỉ dạy ở nhà đan búp bê len, áo len, nhận thêu hoa trên áo dài, mở quầy bán hàng souvenir cho khách du lịch... Duyên số lạ kỳ, đời Thanh ngỡ tuyệt đối theo chủ nghĩa độc thân, bất chợt bẻ ghi dừng trú ở một sân ga yên bình. Nói bình yên vậy thôi chứ tâm trí “bôi sĩ” đang nôn nóng với ngổn ngang bao dự tính. Nào sau đám cưới trong tháng 9 này, sẽ cải tạo căn nhà hẹp mặt phố Phan Bội Châu thành Gallery, souvenir shop. Sẽ sáng tác những mẫu búp bê len tính thẩm mỹ cao, độc đáo cho nhóm nghệ nhân của Loan thực hiện. Sẽ lập website quảng bá và bán tranh, búp bê qua mạng... Trút bỏ tấm áo choàng mơ màng, lãng tử phớt đời, Thanh nay thực sự dấn thân vào cuộc sống mới, hăm hở gầy dựng một địa chỉ thưởng lãm văn hóa phố núi độc đáo, tạo “sân chơi” cho khách du, văn nghệ sĩ bốn phương. Gã tâm sự: Loanh quanh với các trường phái hội họa phương Tây là để giác ngộ cái thần, cái tinh túy của nước ngoài, vận dụng thể hiện tốt bản sắc văn hóa, tư duy mỹ thuật dân tộc mới là hướng đi đúng đắn, chứ không sẽ như lạc lối vào rừng thẳm. Văn hóa truyền thống là “tấm hộ chiếu” của từng quốc gia, không thể đánh mất, càng phải làm nổi bật trong thời hội nhập. Đến họa sĩ Tây sang và vẽ về nước mình cũng có bất di bất dịch cứ "Lập thể" hay "Trừu tượng" đâu? Tiếp thu ảnh hưởng mỹ thuật châu Âu song các “mét” (maitre - thầy: tiếng Pháp) nước nhà lại thành danh bởi những tác phẩm tả chân, ăm ắp đời sống hiện thực. Hai bộ tứ huyền thoại làm rạng rỡ nền mỹ thuật Việt Nam đã minh chứng. Đó là lớp sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ XX nổi danh “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Lớp sau nổi lên bộ “Nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái” (Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái). Càng lao vào Trừu tượng, Ấn tượng hay Siêu thực càng rắm rối... tốt nhất hãy trở về với những điều giản dị mới là vĩnh cửu.

- Này, trở lại “Tái Ông thất mã”, câu chuyện chỉ đơn giản thế ư? - Tôi sực nhớ nội dung hàn huyên vẫn chưa liền mạch, vội thắc mắc. 

Thanh khựng người, mỉm cười rồi thân tình khoác vai tôi:

- Ừ nhỉ. Có phần đầu mà chưa có phần kết...

Mấy ngày sau khi nhận xe, cô em hỏi đã đi tìm và cảm ơn người báo công an chưa, Thanh mới lúng búng “Ôi, thật vô tâm, anh sẽ đi ngay”. “Anh còn nhớ số nhà không?”. “À, à...” - Thanh gãi đầu: “Để anh lên Công an phường... Trí nhớ kỳ này tệ quá”. “Trời ạ. Em đọc, anh lấy bút ghi nè: Chủ hộ Nguyễn Thị Loan, nhà số... Hấp quá rồi anh Hai ạ!”.

... “Sống trong đời sống/ Cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi/... Hãy nghiêng đời xuống/ Nhìn suốt một mối tình/ Chỉ lặng nhìn không nói năng/ Để gió cuốn đi.../... Hãy yêu ngày tới/ Dù quá mệt kiếp người/ Còn cuộc đời ta cứ vui/”...

Từ trong souvenir shop lan ra những thanh âm guitare ngọt ngào, dặt dìu bản nhạc không lời “Để gió cuốn đi” của Trịnh Công Sơn, làm Thanh tần ngần sợ mình vô tình gây xao động tâm trạng đắm đuối theo dòng sóng nhạc miên man của cô chủ nhà ngồi góc khuất sau shop mải miết những đường kim đan len thoăn thoắt lên xuống. Lặng trước quầy ít phút, Thanh gõ nhẹ lên mặt tủ kính trưng bầy những mẫu búp bê len duyên dáng hình thiếu nữ các dân tộc Việt Nam, trẻ em hồn nhiên, những con thú ngộ nghĩnh được tạo hình tinh tế, phối màu sinh động. Cạch... cạch... cạch! Cô chủ ngước lên, vuốt vội lọn tóc lòa xòa trên mặt, khẽ nghiêng đầu ngập ngừng mỉm cười:

- Dạ. Anh cần chi ạ?

- Xin lỗi, cô là Loan, chủ nhà?

Dưới hàng mi dài cong, ánh mắt đen mượt khẽ chớp chớp nhìn anh hơi lâu, thiếu phụ ý tứ khép hai vạt áo len màu sô cô la nhạt choàng ngoài tấm áo dài màu hoàng yến, nhỏ nhẹ:

- Dạ. Anh có việc... Mời anh ngồi...

Khi cô chủ ngước lên, Thanh đã như mất hồn trước đôi mắt tựa làn nước hồ thu sóng sánh giàu biểu cảm nội tâm khiến anh chợt phác ra chủ đề một bức họa chân dung đặc tả gương mặt thanh thoát, đôn hậu của người đàn bà ngồi đan áo, chiều sâu tâm hồn không chỉ thể hiện qua ánh mắt thăm thẳm mà còn được tôn thêm bởi ánh sáng những gam màu sơn dầu nhẹ nhàng và ấm áp.

- Xin lỗi, hỏi không phải nhưng anh là họa sĩ Đức Thanh?

Thanh lúng túng: - Vâng. Thưa cô... Chuyện là... Mà sao cô biết tôi?

Loan tươi cười, nheo mắt thân tình, cởi mở:

- Cả thành phố biết chứ riêng gì em. Họa sĩ Đức Thanh cùng nhiếp ảnh gia MPK, kiến trúc sư Hằng Nga với công trình “crazy house” đã làm Đà Lạt thêm nổi tiếng mà.

- Cô quá lời thôi. Tôi e... mình tiếng tốt thì ít mà tiếng chưa hay lại nhiều.

- Ô, không! Mấy triển lãm tranh của anh trên Nhà triển lãm Hòa Bình em đều đến xem rất kỹ. Tranh anh gần đây đề tài thật giản dị nhưng ý tưởng sâu sắc. Gam màu gây ấn tượng với người xem.

- Thảo nào... búp bê len của cô sống động và có tâm hồn...

Câu chuyện gợi sự tự nhiên, gần gũi. Loan trìu mến nhìn Thanh rồi thốt:

- Còn một lý do nữa khiến em rất hiểu về anh. Anh là bạn học phổ thông với “Hoàng Rose”.

- Ồ. Hoàng ấp Đông Tĩnh. Thân mà. Ngày xưa đi học, giỏi toán và nổi danh say mê nghề trồng hoa, rất tỏ tường kiến thức, giàu kinh nghiệm trồng hoa hồng. Nam sinh lại mang danh “Hoàng Rose” (Hoàng Hoa Hồng) mới độc. Sau Hoàng mê rừng và theo học trường lâm nghiệp. Bọn anh chắc cũng 15 năm không gặp. Em là...

Loan cúi đầu, đôi tay hờ hững theo mấy mũi đan... Im lặng rồi cô cầm khăn mùi xoa trong rổ len đưa lên chấm nhẹ giọt lệ đang lăn trên khóe mắt, thổn thức: - Dạ, anh Hoàng chính là ông xã em...

- Duyên cớ tôi đến với Loan là vậy ông ạ!

Thanh dừng câu chuyện quá đột ngột làm tôi đang mơ màng với những tình tiết nhuốm sắc màu lãng mạn, chợt bàng hoàng với thực tại: - Ông với Loan, vậy còn Hoàng Rose?

Thanh chậm bước, im lặng giây lát rồi trầm giọng xúc động: - Hoàng là cán bộ kiểm lâm. 5 năm trước, cậu ấy bị đánh trọng thương khi truy quét lâm tặc ở rừng giáp Bắc Bình - Bình Thuận... Hoàng ra đi để lại cô con gái giờ đang học lớp 8... Mà thôi. Đến nhà rồi!

***

Sau bữa cơm trưa thân tình, tôi chia tay để về khách sạn lấy hành lý và xuống Liên Khương bay về Sài Gòn. Nắm chặt bàn tay mềm mại, ấm áp của Loan, nhìn như soi vào ánh mắt dịu dàng, tự tin và chứa chan niềm vui của cô, tôi chân thành thốt:

- Các bạn sẽ mãi mãi hạnh phúc! 

Lời chúc có lẽ mang tính xã giao, song đó là rung cảm từ đáy lòng bởi tôi cảm nhận xuất phát từ tâm hồn đồng điệu và cả hai đang “cần một tấm lòng”, tình yêu nảy sinh giữa hai người là điều tất yếu vì họ đã “Mặt trăng em khao khát/ Tình trăng anh say đắm/ Dù một nửa thôi có nhau bên đời” như lời bài “Say trăng” trữ tình của nhạc sĩ Đình Nghĩ nổi danh trên phố núi này. Đồng cảm, sẻ chia và giàu trách nhiệm sẽ là sợi dây xuyên suốt bền chắc giúp Thanh và Loan cập bến bờ hạnh phúc.

Nguyễn Thanh Đạm (baolamdong)