Hương đêm

06/01/2022 05:23:00 PM
Hương của đêm chỉ cảm nhận được khi cánh cửa hoàng hôn khép lại, xe cộ dần thưa rồi dừng hẳn, dòng người hối hả bước về phía những ngôi nhà, tiếng bát đũa, mùi thơm bếp núc... Thành phố lên những ánh đèn lấp lánh trên bầu trời, trên ngọn cây và leo qua các cửa sổ. Noel đang rất gần. Đây đó những cây thông nghễu nghện thách đố những bông tuyết trắng, đã được dựng lên làm chỗ vui chơi lễ hội. Người ta co ro, người ta xuýt xoa, nhưng người ta hạnh phúc.

Minh họa: Ngô Minh Khôi 

Đây đó, từ ngách con phố nhỏ, tiếng cười khúc khích vọng ra, những nụ hôn nhẹ nhàng chỉ đủ để người trong cuộc nghe được, những tiếng chào vội vã rồi tan vào đêm. Từ những dãy phố ngoằn ngoèo, tiếng nhạc Noel văng vẳng. Tôi như kẻ mộng du đi lạc vào rừng lễ hội. Tôi đi như thế từ bao lâu rồi? Mười phút, hai mươi phút, một tiếng? Điều đó có quan trọng gì.

Thành phố lúc ẩn lúc hiện, thân quen rồi lại xa lạ. Cái lạnh len lỏi trong từng sợi tóc tê tê đầy phấn khích. Đó đây từ những khung cửa sổ hắt xuống lòng đường tia sáng dìu dịu của căn bếp nhỏ. Tôi dừng lại, mở căng lồng ngực hít hà, mùi “Pot au feu” (pô-tô-phơ) từ những căn bếp toả ra khiến cái dạ dày háu đói của tôi cồn cào. Pô-tô-phơ là món ăn biểu tượng của ẩm thực Pháp, chế biến từ rau củ quả cùng với vị ngọt của thịt và xương bò. Các bà, các mẹ người Pháp thường nấu một nồi to để ăn dần. Tôi rất thích món ăn này, bởi nó gợi cho tôi nhớ hương vị của phở.

Khi đã nghiện rồi thì không tưởng tượng nữa mà quyết tìm cho ra. Nhưng thật khó để tìm ra câu trả lời chính xác cho một món ăn dân gian. Giữa hàng chục giả thiết khác nhau về nguồn gốc ra đời của phở, tôi cũng tìm được cái mình muốn tin: “Kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã có nhiều tranh cãi về nguồn gốc ra đời của phở. Tuy vẫn còn bất đồng về nơi xuất xứ thật sự hay thời điểm ra đời chính thức nhưng hầu hết cùng chung quan điểm là phở (với vai trò là một món ăn đặc trưng của cư dân đô thị)… có nguồn gốc từ phương pháp chế biến món thịt bò hầm của Pháp pot-au-feu, kết hợp với các loại gia vị và rau thơm trong ẩm thực Việt Nam”. Đấy là lý thuyết sách vở, tôi muốn biết sự thật.

*

Mang những hoài nghi trong lòng về giả thiết này, tôi tìm gặp ông, một ông già là lính Pháp đã ở Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Ngồi đối diện tôi trong chiếc ghế bành, Roger, tên của người lính Pháp, nhìn tôi bằng đôi mắt xa xôi:

- Ngày đó, vài tháng trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đơn vị của tôi được điều về đóng quân ở Hà Nội. Với tôi đó là một hạnh phúc vô biên. Hồi ấy tôi còn rất trẻ, vừa tròn 18. Cái tuổi mới đẹp làm sao! Chúng tôi đến Hà Nội không phải trong tâm thế của những người lính, mà với tâm thế của những con người đi khám phá. Tôi sinh ra ở nông thôn, lần duy nhất được đặt chân đến Paris là khi chúng tôi bay sang Đông Dương. Vậy nên Hà Nội với tôi vừa là thành phố lớn xa lạ vừa là nơi tôi vào đời. Hà Nội giống như quê hương thứ hai của tôi vậy.

Tôi ngỡ ngàng nhìn ông.

- Hà Nội trước cách mạng đã là thành phố lớn?

- Cô biết đấy, hồi đầu thế kỷ 20, chỉ có Paris là tráng lệ chứ các vùng nông thôn Pháp cũng buồn tẻ và nghèo nàn. Vì thế, với tôi Hà Nội là chốn phồn hoa. Chiều chiều khi thành phố lên đèn, những gánh hàng rong bắt đầu xuất hiện.

Roger dừng lại, những tia sáng trong đôi mắt long lanh của một người già bật ra rưng rưng:

- Trong số đó, tôi thích nhất gánh hàng của một cô gái trẻ mảnh mai. Ngày nào cũng thế, cô ấy mặc chiếc váy đụp và áo cánh nâu, một dải thắt lưng bằng vải buộc lửng cũng là nơi để cất tiền hàng. Cô gái ấy có nụ cười rất duyên, mỗi lần cô cười lộ hàm răng đều tăm tắp, đen tuyền…

Roger đứng dậy khỏi chiếc ghế bành, lấy ra từ giá sách một chiếc hộp gỗ sơn mài rất to. Tôi đã nhận ra ngay chiếc hộp gỗ với trang trí hình bông sen trên nắp hộp. Đôi bàn tay run run, Roger lần mở chiếc hộp lấy ra một bức tranh nhỏ bằng chiếc bưu thiếp. Trên bức tranh đó là khuôn mặt người con gái nền nã với chiếc khăn mỏ quạ và nụ cười say nắng. Ông đưa nó lại cho tôi.

- Tôi là người đã vẽ cô. Cô ấy đẹp đúng không?

Tôi không thể tìm được từ thích hợp, chỉ có thể gật đầu.

- Bà ấy rất đẹp.

- Lần đầu nhìn trực diện cô gái với hàm răng đen lạ, tôi ngạc nhiên lắm! Roger tiếp tục kể. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn lại chính là gánh hàng của cô. Đó là một kiểu gánh hàng có một không hai, một nghệ thuật trong công việc. Mỗi bước đi của cô giống như một điệu nhảy, nhẹ nhàng uyển chuyển, đôi quanh gánh kĩu kịt trên đôi vai mảnh khảnh. Roger dừng lại, buông lơi động tác như thể ông sợ mình bắt chước không chuẩn. Tôi nghĩ cô là người Việt Nam nên biết rõ hơn tôi.

Tôi lắc đầu như để thừa nhận với ông rằng, tôi chưa từng gánh hàng bao giờ. Những gánh hàng đó, tôi đã nhìn thấy nhiều lần trên phố nơi tôi sinh ra, nhưng chúng chưa từng khiến tôi bận tâm cho đến bây giờ.

- Ở hai đầu đòn gánh là cả một bếp ăn di động. Thật tuyệt vời, nhìn rất nhỏ gọn nhưng cái gì cũng có. Chiếc chạn nhỏ, những chiếc bát úp chồng lên nhau, vài đôi đũa tre và vài chiếc thìa gọt từ tre nứa cùng mấy chiếc ghế con. Đầu kia đòn gánh, bếp than hồng lập lòe ánh lửa, nồi nước dùng bốc khói tỏa mùi thơm ngào ngạt, mùi hành tươi, mùi thảo quả… khiến cho những kẻ sành ăn nhất cũng phải nuốt nước bọt. Ngày ở nhà, mẹ tôi rất hay nấu Pô-tô-phơ, nhất là vào gần dịp lễ Tết vì chỉ lễ Tết mới có đủ thịt ăn. Hà Nội ngày đó không có nhiều đèn đường, nên đốm lửa của gánh hàng rong càng nổi bật khi hoàng hôn khuất bóng.

- Tại sao lại “phơ” mà không phải là “pô-tô-phơ”hay một tên gọi khác?- tôi tò mò hỏi ông.

- Thật ra chúng tôi lúc đó vẫn chưa biết tên gọi thật sự của món ăn đó là gì, chỉ biết thấy có ánh lửa nên họ kêu “feu, feu, feu”, phát âm thành “phơ, phơ, phơ” tức là “lửa, lửa, lửa”. Những bát phở nghi ngút khói được múc ra, truyền tay, người ăn xì xụp húp, gật gù khen ngon. Thường tôi chọn ăn sau cùng vì chỉ khi đó tôi mới được ngồi đối diện với cô, được ngắm khuôn mặt của cô và được nhìn vào mắt cô.

- Bà ấy có nói được tiếng Pháp không?

- Một chút tiếng bồi, đủ để chúng tôi giao tiếp. Nhưng cô hiểu đấy, khi chúng ta có tình cảm với nhau, ngôn ngữ lời nói trở lên thừa thãi, chúng tôi chủ yếu giao tiếp bằng ánh mắt và cử chỉ.

- Bà ấy có nhận tình cảm của ông không?

- Hình như là có.

Sau câu trả lời, Roger ngồi lặng im khá lâu, lọt thỏm trong chiếc ghế bành, từng cử chỉ trở lên xa xôi. Rồi ông trầm ngâm kể tiếp cho tôi nghe:

- Cách mạng Tháng Tám thành công, quân đội Pháp bị lật đổ, đơn vị của tôi rút lên đóng quân ở miền núi phía bắc. Ngày cuối trước khi rút quân, tôi quyết định thổ lộ những tình cảm của mình dành cho cô ấy. Nhưng hồi ấy tôi còn trẻ quá. Cử chỉ và hành động đều vụng dại. Cuối cùng tôi đã giữ kín những tâm tư. Tôi hy vọng hòa bình sẽ lập lại rất nhanh và tôi sẽ quay trở lại Hà Nội với tư cách người Pháp chứ không phải tư cách của một người lính thực dân. Tôi sẽ tìm cô ấy. Nhưng thật không may, cuộc chiến đã kéo dài hơn tôi nghĩ. Kể từ ngày đó, tôi chưa từng một lần được gặp lại.

Roger dừng lời, giọng nói rưng rưng:

- Giá như ngày ấy tôi mạnh dạn hơn. Sau năm 1954, tôi có dịp trở về Hà Nội, tìm về chỗ đóng quân ngày xưa. Tôi đã dành tất cả những ngày nghỉ phép của năm để ở lại nơi đó. Mỗi chiều khi màn đêm buông xuống, tôi lần theo những dãy phố tìm những gánh hàng rong. Vẫn có những người phụ nữ đung đưa trên vai đôi quanh gánh, từng bước đi nhún nhẩy theo tiếng rao, nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng của cô ấy.

Nghe giọng ông rao lại, tôi đã nhận ra tiếng rao của gánh hàng phở đã khắc họa vào tim ông bởi tiếng rao dù lơ lớ trọng âm vẫn chuẩn điệu rao. Ông bảo tôi:

- Thỉnh thoảng trong những giấc mơ, tôi vẫn giật mình nghe thấy. Đôi khi mở mắt ra, tôi vẫn cảm nhận được đâu đó trong căn phòng mùi vị của hành tươi quyện mùi thảo quả.

*

Tuyết rơi bung biêng khắp trời, mặt đất bồng bềnh một lớp trắng tinh khôi, tôi mặc bộ quần áo dài và thêm lớp áo khoác trước khi lên xe đi mời ông đến nhà ăn phở như chúng tôi đã hẹn trước Noel.

Ra đón tôi ở cửa là một người con trai cỡ tuổi tôi. Chúng tôi đã từng vài lần chạm mặt nhau ở nhà ông, trong những buổi tối gặp mặt đồng hương Việt Nam, ông là người đứng ra tổ chức các buổi gặp mặt. Sau khi mời tôi vào nhà, người con trai giới thiệu chính thức với tôi, anh tên là Nathan, là cháu nội của ông. Anh kể cho tôi nghe. Ông đã ra đi sau hôm Noel trong vòng tay của gia đình. Một vài phút im lặng trôi qua, Nathan đứng dậy cầm lên chiếc hộp sơn mài có hình hoa sen.

- Ông tôi dặn phải trao tận tay cho cô. Đó là kỷ vật ông dành tặng cho cô, tặng cho Hà Nội.

Tôi từ từ mở chiếc hộp. Bên trong chiếc hộp là bức tranh nhỏ vẽ người phụ nữ năm nào, dưới bức tranh là một bức thư tay viết cho tôi. Chúng tôi cùng chụm đầu vào đọc bức thư. Những nét chữ run rẩy, rưng rưng. Nathan bảo tôi:

- Tôi mong có một lần được tìm về để hiểu thêm Hà Nội.

Tôi gật đầu. Ngoài trời tuyết đã ngừng rơi. Tôi bảo Nathan:

- Chúng ta sẽ cùng về vào dịp Tết, cùng đón xuân.

Nathan mỉm cười, nụ cười hiền hậu của người ông.

QUYÊN GAVOYE (theo nhandan.vn)