Lớp học giữa những mùa gió

20/11/2020 08:46:00 AM
Mùa gió Nam, dân hòn dời về trú ngụ bên gành chướng, mùa gió chướng dời về gành Nam, biển trùng trùng sóng vỗ, nhưng lớp học tình thương của Tần vẫn ấm áp với tình yêu thương không gì dời đổi được.

Tần xem đồng hồ rồi vội bước ra cửa, gió Nam bắt đầu thổi mạnh, anh kéo cao cổ áo khoác, bước nhanh chân hơn. Tần sợ tụi nhỏ đến mà chưa thấy anh, sẽ bỏ về. Sĩ số lớp có mười chín em mà có mặt chừng mười ba, mười bốn là cao. Vào mùa cá, các em ở nhà phụ giúp gia đình, lớp học chỉ còn vài em.

Tần thường đi sớm hơn 1 tiếng để đứng đón học trò ở ngã ba. Vì đường đi trên hòn có ba ngã: ngã chướng, ngã Nam và ngã đèn hải đăng, giáp nhau ở gần đỉnh hòn, nên Tần đi sớm để đón các em học sinh ở đó, rồi mới dẫn các em vô lớp học. Tan lớp, phụ huynh cũng đứng chờ những em còn nhỏ tuổi ở ngã ba, nên thành danh là "Ngã ba đón". Hòn Chuối không lớn lắm, các em lớn chạy vài ba hơi là giáp hết, nhưng sợ bất trắc với các em nhỏ nên Tần luôn lo lắng và nhắc phụ huynh đưa đón. Tần cảm thấy bên cạnh dạy chữ còn có trách nhiệm về an toàn cho học trò. Học sinh nào vắng lâu thì Tần hỏi thăm, em nào chớm có ý nghĩ bỏ học là Tần động viên ráng học để biết đọc biết viết, làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia... để sau này ra đời bớt thiệt thòi.

 

Ngày Tần ra đến đồn biên phòng trên hòn Chuối này, dân ở đây chưa đến ba mươi hộ, số trẻ em khoảng một trăm, nhưng phần nhiều các em chưa biết chữ. Ðơn vị thấy vậy, mở lớp học tình thương trên hòn, Tần được phân công phụ trách dạy học. Con nít ở đây biết đi là biết bơi lội, lên năm, sáu tuổi là biết phụ giúp cha mẹ móc mồi câu, gỡ cá lưới. Rồi lớn lên quanh năm suốt tháng với biển cả, cá tôm, nắng gió. Nên nhiều lúc người dân không nghĩ đến việc trẻ em cần phải học để biết chữ.

Ngày mở lớp, có chừng hơn mười em, đứa nào màu da cũng đen nhẻm nắng gió, lớn rồi mà chưa từng đi học. Chừng này tuổi, nếu ở đất liền, các em học gần hết tiểu học rồi. Tần đắn đo suy nghĩ để thiết kế bài học theo thời gian của học trò và những gì các em cần trước mắt. Vì vậy Tần tập trung dạy đánh vần rồi sau đó ráp vần, tập đồ, tập viết.

Chuyện dạy học với thầy giáo tay ngang như Tần đã không dễ dàng, học trò thì cũng có em gặp những vấn đề riêng. Có em đã lớn và đến thời kỳ vỡ giọng, lại phải học chung với các em nhỏ, nên nỗ lực gấp ba: vừa phụ giúp gia đình, lại ráng học đọc học viết và phải vượt qua mặc cảm. Những lúc như vậy Tần thấy thương các em vô cùng. Nhưng chuyện vui và kỷ niệm cũng nhiều không kể xiết.

Tần vẫn nhớ hoài một buổi sáng có chàng trai trẻ tên Nam, cao ngang với anh, toát lên vẻ khỏe khoắn của người đi biển, xin vô lớp học. Buổi học đầu tiên, Nam ít nói, ít giao tiếp, chỉ chăm chú nghe Tần hướng dẫn nhận mặt chữ và ráp những vần đơn giản. Nam cố gắng đọc theo từng chữ cái mà cứ ngượng ngập.

Vài hôm sau, giờ tan học Nam tìm gặp Tần, ấp úng:

- Thưa thầy, em có chuyện này kể ra, thầy đừng cười em.

- Thầy hứa.

Vậy là Nam lấy hết can đảm tuôn một hồi dài:

- Xóm em có nhỏ, bằng tuổi em mà biết chữ. Mới đây nhỏ đưa cho em một lá thơ, ra điều kiện em đọc được và trả lời đúng câu hỏi trong đó thì nhỏ sẽ làm người thương của em. Em muốn nhờ người khác đọc giúp, nhưng sợ bị chọc quê, nên đến nhờ thầy dạy cho em biết chữ để đọc lá thơ đó, rồi trả lời cho nhỏ biết ý em thôi. Chớ cha em không cho yêu đương sớm, nói còn trẻ phải lo mần ăn, phải giỏi nghề biển, làm cái nhà trước...

Tần vừa dở khóc dở cười với lý do quyết tâm đi học của Nam, vừa thương cậu học trò thiệt thòi, lớn vậy rồi mà chưa biết đọc biết viết, nên cân nhắc trả lời:

- Thầy sẽ dạy để em trong một tháng đọc được lá thơ đó và biên thơ trả lời. Nhưng em phải cố gắng dữ lắm à...

Mắt Nam sáng rỡ:

- Em cám ơn thầy. Vậy em gởi lá thơ của nhỏ đó chỗ thầy tới khi nào em đọc được sẽ nhận lại. Chớ giờ mà đem về nhà, lỡ mà cha em thấy, la rầy liền...

Thế là Tần sắp thêm giờ dạy cho Nam, bên cạnh những buổi học trên lớp. Nhìn Nam nỗ lực vượt qua từng chướng ngại do bắt đầu học quá trễ, Tần luôn động viên Nam:

- Em thông minh lắm, sẽ sớm đọc và viết được!

Qua tuần lễ thứ hai, Nam đã làm quen với các vần và bắt đầu tập đồ, tập viết. Bàn tay Nam lóng ngóng, run rẩy qua từng nét chữ. Nam thấy chuyện bơi lội, lái tàu, kéo lưới, khuân vác... sao mà nó dễ; cầm cây viết sao mà khó quá trời. Ðôi lúc Tần bật cười, chỉnh lại dáng ngồi viết của Nam khi thấy cậu học trò méo cái miệng, cong cái giò đề lái ngòi viết theo nét chữ. Nhiều lần Tần xem tập của Nam, nhận ra một điều: những nét chữ đầu tiên đến với Nam không dễ dàng và bộc lộ nôn nóng mau biết đọc biết viết. Ðọc được tâm trạng của cậu học trò lỡ mùa ở hòn này, Tần càng tận tụy với công việc của mình.

Cuối cùng Nam cũng vượt qua được thời gian khó khăn. Một buổi tan trường. Tần cầm lá thơ tháng trước Nam nhờ anh cất giùm, đưa cho cậu. Nam mở ra, trên tờ giấy màu hồng chỉ có một câu, miệng Nam uốn éo đánh vần: "Anh - có - yêu - em - không?". Ðọc xong Nam la trời: "Nhỏ này gan quá thầy ơi!".

Tần cười:

- Giờ em đã biết câu hỏi rồi. Phần trả lời thì tự em biên thơ cho nhỏ, chuyện này thầy không giúp được...

*

* *

Sau này Nam biết đọc biết viết rồi, biết thêm nhiều công năng của điện thoại di động, nên thường nhắn tin cho Tần kể những chuyện vui, nhất là khi cá tôm đầy ắp khoang thuyền. Lúc không ra khơi, Nam lại đến giúp Tần và các anh em trong đơn vị mỗi khi tổ chức khám trị bịnh cho bà con, gánh nước ngọt, giúp dân chằng giữ nhà cửa, thuyền bè và di dời đến nơi an toàn mỗi khi có gió bão... Gia đình Nam cũng như nhiều gia đình ngư dân khác trên hòn Chuối này, sống đoàn kết như một nhà, đau ốm bịnh hoạn lo cho nhau, đùm bọc trong nghề đánh bắt và những lúc giữa muôn trùng biển khơi. Hộ nào thêm nhân khẩu, hộ nào mới đến là cả hòn đều biết. Dân cư, bộ đội biên phòng trú đóng đều biết nhau tường tận.

Cuộc sống ở hòn Chuối tuy vẫn còn thiếu thốn, người dân vẫn dùng máy kéo mô tưa thắp sáng, xem truyền hình và nghe nhạc trên sóng radio là cách giải trí phổ biến, đổi lại môi trường sống trong lành, tình đoàn kết xóm làng, gắn bó quân dân không lay chuyển...

Nhật Hồng/ baocantho.com.vn