Nhớ những Trung Thu thuở ấu thơ

25/09/2023 08:00:00 AM
Ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là những đêm trông trăng phá cỗ Trung Thu của gia đình, hoặc của xóm tôi tổ chức tại sân vận động của trường. Thích và ấn tượng – có lẽ bởi cái không khí đầm ấm đặc biệt của đêm Trung Thu sum vầy bên những người ta yêu quý mang lại.

Ảnh minh họa

Những ngày này, cứ đi ra đường hay về đến khu đô thị đang ở, tôi rất hay gặp các đoàn múa lân sư rồng, theo sau là cả đàn trẻ em lít nhít nối đuôi nhau, rộn rã trong tiếng trống và những điệu múa khỏe khoắn, đẹp mắt.

Mùa Thu về trong tiết trời se se lạnh và hương thơm nồng nàn hoa sữa, khiến những ai hay phải xa nhà càng cảm thấy mong ngóng được trở về để tắm mình trong cái không khí đoàn viên ấm áp của gia đình trong dịp Tết Trung Thu.

Lại nhớ về những Trung Thu thuở thơ bé. Ngày ấy, lũ trẻ chúng tôi cứ hồn nhiên, vô tư sống trong niềm vui bất tận và náo nức trẻ thơ mỗi dịp lễ tết đến như Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Trung Thu, Tết Nguyên đán… Những khó khăn thiếu thốn của thời bao cấp còn ở tận đẩu tận đâu trong những lo toan của người lớn, chứ chưa chạm được vào trí óc non nớt của đám trẻ con chúng tôi.

Nhà tôi vốn ở trong khu tập thể của một trường đại học lớn chuyên đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên, du học sinh Việt Nam và tiếng Việt cho người nước ngoài. Vì vậy, ngay từ bé chúng tôi đã được sống trong một môi trường có sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước. Cũng vì đặc thù này, mà cứ mỗi dịp lễ, tết truyền thống của Việt Nam hay các dịp lễ, tết truyền thống của nước ngoài (như Giáng sinh và Tết Tây), dù thời đó còn rất khó khăn, nhà trường hoặc các khoa vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động tại hội trường và khuôn viên nhà trường, mời những người nước ngoài là giáo viên và học viên trong trường cùng tham gia rất náo nhiệt. Chúng tôi là con em của cán bộ giáo viên trong trường, đương nhiên cũng được mời hoặc đôi khi “ăn sái” tham dự. Tết Trung Thu khi đó trở thành dịp giao lưu, đoàn viên, hội tụ - không chỉ trong các gia đình, mà còn là trong trường, trong khoa. Tôi vẫn còn nhớ như in những tiết mục văn nghệ vui nhộn - truyền thống có, mang chất “Tây” có - của sinh viên trong trường khi đó, và đặc biệt là cảnh lũ trẻ con chúng tôi xếp hàng rồng rắn để nhận quà từ Ban tổ chức. Thường thì lũ trẻ chúng tôi, đại diện mỗi nhà sẽ được nhận một cái túi có cái bánh nướng hoặc bánh dẻo, thêm vào các loại kẹo thập cẩm vui mắt.

Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là những đêm trông trăng phá cỗ Trung Thu của gia đình, hoặc của xóm tôi tổ chức tại sân vận động của trường. Thích và ấn tượng – có lẽ bởi cái không khí đầm ấm đặc biệt của đêm Trung Thu sum vầy bên những người ta yêu quý mang lại. Ngày ấy khó khăn, điện cũng thiếu, chưa kể còn thường xuyên mất điện. Buổi tối, bình thường thì đường trường tối om không có đèn, khu tập thể cũng chỉ sáng lờ mờ nhờ ánh đèn vàng vọt trong các nhà hắt ra, nhưng vào đêm Trung Thu, các con đường trong trường tấp nập từng tốp trẻ con đi rước đèn Trung Thu trong tiếng trống rộn rã; và dù lượn đâu thì lượn, điểm đến cuối cùng vẫn là tụ ra sân vận động nhà trường.

Sân vận động trường tôi rất rộng, mặt sân là lớp cỏ dày xanh thẫm và mềm mại. Đấy là nơi mà lũ trẻ chúng tôi thường lăn lê bò toài mỗi ngày với đủ thứ trò chơi thú vị của tuổi thơ, cũng là nơi lý tưởng để nhà trường và các gia đình tổ chức hoạt động. Thường thì vào đêm đó, các nhà hoặc vài nhà thân nhau trong xóm sẽ rủ nhau, trẻ con thì mang theo nào đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ, đèn kéo quân, trống…; người lớn thì mang nào bánh nướng, bánh dẻo, nào chuối, hồng, na, cốm đủ loại… ra bày trên báo hoặc tấm nilon được trải rộng trên mặt cỏ, rồi mọi người sẽ ngồi xung quanh liên hoan phá cỗ. Người lớn thì rôm rả trong những câu chuyện ôn cố tri tân, đương nhiên không thể thiếu vài câu chuyện hài và các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn trong tiếng đàn ghi ta bập bùng…; còn lũ trẻ đi rước đèn chán thì ăn, ăn chán sẽ đùa nghịch, chơi các trò chơi xung quanh. Và lần nào cũng vậy, đêm liên hoan chỉ tàn khi lũ trẻ chúng tôi rũ ra ngủ trong vòng tay bố mẹ, anh chị…

Mỗi thời một khác, xã hội phát triển, đời sống người dân ngày một tốt hơn. Trẻ con bây giờ được liên hoan Trung Thu từ trong nhà, ra lớp học đến khu phố nơi cư trú, và trong điều kiện vật chất tốt hơn rất rất nhiều. Không biết con cháu chúng tôi khi lớn lên sẽ có những ấn tượng như thế nào về những dịp Trung Thu như vậy, nhưng với riêng tôi, những đêm Trung Thu tuổi thơ giản dị, đầm ấm và không kém rực rỡ trong ánh trăng vằng vặc ở sân vận động trường tôi sẽ mãi mãi là những ký ức đẹp đẽ không phai mờ, mà mỗi khi nhớ lại, lòng vẫn rộn ràng trong một niềm hạnh phúc nao nao khó tả.

Mai Chi