Về quê

06/03/2020 08:00:00 AM
Ngót hai chục năm bôn ba, lăn lộn mưu sinh nơi xứ người tuyết lạnh nhưng từng ngày lại quay quắt nhớ nẻo đường quê xanh ngắt những cánh đồng lúa đang ngậm đòng thơm sực, nhớ mùi khói rạ thơm cay cay mắt...

Chiếc taxi khựng lại giữa chừng, gã tài xế trông còn khá trẻ quay xuống băng ghế sau của khách, vẻ mặt bối rối như người có lỗi, hỏi:

- Từ đây về đến nhà bác còn xa nữa không ạ?

- Vòng vèo thì còn khá xa nhưng nếu sang đò thì đâu chừng vài cây số nữa - Lượng nhìn ra cửa xe xác định vị trí, ước lượng - Xe cậu có chuyện gì sao?

- Tôi xin lỗi! Bác nhìn thử phía trước đi ạ. Đường sá như thế này xe của tôi không thể đi nổi bác ạ - Gã tài xế nhã nhặn - Hay là bác gọi người nhà ra đón có được không?

Lượng nhìn đồng hồ, mới hơn bốn rưỡi chiều mà trời đã sâm sẩm tối, anh ái ngại hết nhìn con đường đất bùn lầy lội nhão nhoét, lồi lõm những vết xe công nông, xe bò kéo rồi lại nhìn đứa con gái đang nghoẹo đầu vào chiếc túi du lịch to kềnh càng say ngủ, anh không nỡ thức con dậy. Tội nghiệp, từ hôm qua đến giờ hết ngồi máy bay, tàu hoả rồi taxi, giờ đến lượt phải lội bộ cả một quãng đường này nữa mới về tới quê của ông bà nội nó. Trời vẫn mưa sùi sụt không dứt.

- Mưa gió, đường sá thế này gọi ai ra đón lúc này cũng tội - Lượng chép miệng - Thôi cậu cứ cho bố con tôi xuống đây cũng được.

Kéo lại fecmơtuya áo khoác của cả hai bố con cao lên tận cổ và trùm mũ kín đầu, Lượng quyết định mở cửa xe bước ra. Gió bấc chỉ chực có thế ùa vào xe khiến con bé choàng tỉnh, ngơ ngác:

- Đến nơi rồi hả bố?

- Mới gần thôi con - Lượng khoác chiếc túi to kềnh lên vai đoạn ghé lưng cho con - Nào con gái, ôm cổ bố cõng nào.

- Con lớn rồi mà! - Con bé nhõng nhẽo.

- Ừ con lớn rồi nhưng đường đất thế này con đi sẽ ngã đấy.

Con bé dụi mắt đoạn nhìn con đường lầy lội, nó miễn cưỡng ôm cổ bố, mặc cả:

- Bố chỉ được cõng hết chỗ bẩn thôi bố nhé!

- Ừ! Tất nhiên là thế mà!

Lượng cõng con dò dẫm theo vệ cỏ mà cũng mấy lần suýt ngã. Qua bến đò là về đến đầu làng, lúc này bóng tối đã như bưng lấy mắt người từ lâu quen sống ở nơi  ban đêm tràn đầy những thứ ánh sáng nhân tạo khiến chân Lượng giờ phải dò dẫm bước theo ký ức là chủ yếu. Dẫu đã ngót hai chục năm trôi qua nhưng anh vẫn nhớ như thuộc lòng bàn tay từng đường ngang ngõ tắt từ bến đò này đến tận đầu cống xả lũ làng Hạ.Vẫn con đường này, ngỡ như đâu đây những tiếng reo hò của lũ mục đồng chơi trò đánh trận giả dưới mưa ngày nào... Con bé cứ nằng nặc đòi tự đi nhưng tay lại níu chặt  lấy gấu áo của bố bước líu ríu:

- Phải đi còn xa nữa không bố? - Con bé phụng phịu -  Sao ở đây tối thế, con chẳng trông thấy gì cả?

- Cố lên con, chỉ còn một quãng nữa thôi - Lượng động viên con - Con thấy ánh điện phía trước kia không, gần nhà cũ của ông bà nội con đấy. Bố con mình cố lên nào!

***

Lượng tỉnh giấc bởi những thanh âm ồn ào nhưng rất đỗi thân quen: Tiếng gà xóm trong xóm ngoài gáy ran ran, tiếng lộc cộc của sừng trâu bò gõ vào thành chuồng đòi ăn, tiếng bước chân vồi vội, tiếng í ới gọi nhau đi chợ sớm... Có tiếng thì thầm của bà cô anh đang nói chuyện với một phụ nữ giọng rất nhẹ từ ngoài ngõ. Cái giọng nói sao quen quá, như chạm vào tiềm thức khiến Lượng tỉnh ngủ hẳn. Anh trở dậy nhẹ nhàng đắp lại chăn cho con gái rồi đi ra ngõ. Trời vẫn tối như bưng, mưa nhẹ như rây bụi và thoảng trong gió se se lạnh hương cau thơm ngọt đến nao lòng. Chẳng trông thấy gì, Lượng quay bước trở vào. Bà cô đang lúi húi bên bếp, tay nhịp nhàng gạt rơm cho lửa cháy đều. Ánh sáng bập bùng từ bếp lửa hắt lên mái tóc bạc trắng và gương mặt răn reo, khắc khổ khiến Lượng chợt thấy lòng mình se lại. Anh sán lại ôm đôi vai gầy của bà cô.

- Cơm chín  chưa hả cô? Con đói quá - Lượng làm bộ nhõng nhẽo.

- Mới sáng ra đã kêu đói rồi, có nồi cám lợn chín rồi đấy! - Bà cô khẽ cốc vào đầu anh trêu chọc, rồi dịu giọng - Còn sớm mà, dậy làm gì sớm vậy con?

- Cô cũng ác thật! - Lượng làm bộ dận dỗi - Lại bảo con là lợn đấy!

- Quỷ sứ nhà anh! - Bà cô lại cốc đầu anh - Ngày xưa, thời cô có cám lợn mà ăn đã là may lắm rồi đấy. Mà con về đợt này có được lâu không?

- Hai bố con về định ăn hết cơm gạo của bà cô rồi mới đi - Lượng đùa - Không biết nhà mình còn bao nhiêu gạo cô nhỉ?

- Bà cô này lại sợ bố con anh ăn đồ Tây quen rồi lại không ăn nổi cơm gạo quê nữa thôi.

- Ở bên ấy con chỉ nhớ và thèm mỗi thứ cơm gạo quê vùi trong bếp ăn với rau lang, rau muống chấm thứ nước mắm cáy do cô làm cùng với đĩa cà pháo cắn một miếng đã nghe giòn rụm đầu lưỡi ấy thôi.

- Giờ sẵn nồi cơm điện, bếp ga, còn ai nấu cơm kiểu này cho vất vả nữa đâu con.

- Thì cứ miễn là cơm nấu bằng thứ gạo quê mình là được mà.

- Cô già rồi còn nấu cho con được mấy nỗi - Bà cô bỗng thở dài - Chẳng lẽ con định cứ sống cảnh gà trống nuôi con ở xứ người mãi thế sao?

- Lúc nãy hình như con nghe cô nói chuyện với Hiền ở ngoài ngõ? - Lượng lảng sang chuyện khác.

- Là nó đấy. Nó biết bố con con về hồi đêm nhưng ngại không sang gặp. Lúc nãy, nó đi chợ sớm tiện thể gửi cho con bé mấy quả cam vườn đấy - Bà cô chép miệng - Cái số nó cũng chẳng ra làm sao.

- Cô ấy giờ đã mấy con rồi hả cô?

- Chậc! Nó có mỗi thằng bé lên mười chứ có lấy chồng đâu.

- Con nghe bảo dạo trước cô ấy định lấy ông kỹ sư cầu đường ...? - Một cái gì cộm lên trong ngực Lượng đau nhói.

- Thì lúc đầu cứ tưởng thế - Bà cô lại khẽ thở dài - Ai có ngờ đâu cái ông kỹ sư ấy đã có vợ con ở  thành phố. Cái số con bé...

- Giờ cô ấy...?

- Nó vẫn làm cô giáo dạy tiểu học ở xã đấy thôi, được cái lũ trẻ chẳng đứa nào không quý nó...

***

Nhà bà nội Hiền liền ngõ với nhà Lượng. Thuở còn cùng học một lớp ở trường làng, Hiền đã như một con thiên nga lạc giữa bầy vịt xấu xí là lũ con trai đen nhẻm, gầy nhom và tóc rối bời như tổ quạ. Ấn tượng của Lượng về Hiền là cô bé có đôi mắt tròn trong veo mà mỗi lúc cười lại sáng lên lấp lánh, và nước da dù suốt ngày cùng lũ bạn đào dế, đánh trận dưới nắng hè mà vẫn trắng mịn hồng hào. Nhà Hiền ở ven đê, vườn có rất nhiều cây ăn trái nhưng lũ trẻ thích nhất là cây ổi bo thơm nức, quả ra bốn mùa. Mỗi ngày, sau buổi đến trường, chẳng hẹn nhau nhưng tất thảy đều tập trung tại nhà Hiền, lùng sục khắp vườn, “thu hoạch” bất cứ trái cây nào có thể ăn được để làm giải thưởng cho các trò chơi hôm ấy. Xong, cả bọn lùa trâu bò sang gò nổi giữa ngã ba sông và nghiễm nhiên Hiền luôn được ưu tiên làm trọng tài trong mọi cuộc chơi như một luật bất thành văn vậy. Cô bé thường ngồi vắt vẻo trên chạng ba cây sung ngả la đà trên mặt sông, tay cầm một cành phi lao có dúm lá đầu ngọn để làm cờ hiệu. Cuối trò chơi, dù ai thắng ai thua thì phần thưởng cũng được chia đều cho tất cả. Mùa hè, dòng sông thu hẹp lại, nước trong veo, nhìn rõ cả những viên cuội nhỏ trắng tinh nằm dưới đáy. Mỗi chiều, lũ trẻ lùa đàn trâu bò con nào con nấy, bụng căng tròn như có cánh, ùa xuống sông tắm táp và té nước ầm ỹ...

Còn nhớ, tháng Tám năm Lượng mười lăm tuổi, một đợt trời mưa liên miên, mưa như chưa mưa thế bao giờ. Nước lũ dâng cao gần chạm mái nhà. Chiều ấy, bố Hiền kéo vó được một con cá chép rất to. Nấu xong bữa tối, mẹ xới cơm và bỏ thức ăn vào chiếc cặp lồng và gói ghém cẩn thận. Xong, mẹ gọi Hiền:

- Giờ mẹ chèo thuyền vào trong xóm, con đi cùng mẹ đưa cơm cho bà nội. Tối nay, hai bà cháu ăn với nhau, rồi con ngủ lại luôn với bà con nhé!

- Mai mẹ phải vào đón con ra được không?

- Lại còn mặc cả nữa cơ đấy! - Mẹ cười - Ừ! Thì mai mẹ lại vào.

Lúc mẹ quay thuyền về thì đã nhá nhem tối. Hai bà cháu nhìn theo chiếc thuyền nhoà dần trong màn mưa ràn rạt. Hiền không ngờ đấy lại là hình ảnh cuối cùng của người mẹ thân yêu. Khuya đêm ấy, bất ngờ đoạn đê ngay sát nhà Hiền vỡ toác, cuốn phăng đi hơn chục nếp nhà... Ngôi nhà nhỏ của gia đình Hiền chẳng còn sót lại cái gì, cứ như thể nó chưa từng tồn tại bao giờ, xung quanh chỉ còn mênh mông nước đục ngầu. Bà nội khóc không thành tiếng, lả người trên tay hàng xóm. Còn Hiền, môi mím chặt, đôi mắt ráo hoảnh vô hồn.

- Cháu ơi! Nếu khóc được cháu cứ khóc đi cho nhẹ lòng - Mẹ Lượng xót xa, ôm đôi vai gầy của Hiền an ủi - Về với bác đi con!

Hiền vẫn lặng câm như hoá đá, rồi bất ngờ lao xuống dòng nước vùng vẫy một cách tuyệt vọng. Sau một giây sững sờ, Lượng cũng lao theo. Vất vả một lúc Lượng mới đưa được bạn lên thuyền.

- Sao dại dột thế cháu ơi! - Bà nội nhào lại ôm lấy Hiền, tức tưởi - Cháu không thương bà nữa hay sao?

- Bà ơi! Bố mẹ... bố mẹ ơi!... hức! hức! Câu nói bật ra cũng là lúc Hiền oà khóc, đôi vai rung lên theo tiếng nấc. Lượng ôm bạn để mặc những giọt nước mắt của Hiền nóng hổi trên vai và lần đầu tiên trái tim anh đã đập những nhịp không phải của mình...

Mải miết thời gian trôi, đất quê nghèo dẫu có dẻo dính đến đâu cũng không níu giữ được chân người lãng tử. Gia đình Lượng cũng chuyển dời xuống phố. Ngót hai chục năm bôn ba, lăn lộn mưu sinh nơi xứ người tuyết lạnh nhưng từng ngày lại quay quắt nhớ nẻo đường quê xanh ngắt những cánh đồng lúa đang ngậm đòng thơm sực, nhớ mùi khói rạ thơm cay cay mắt. Ăn những món đồ đóng hộp có sẵn trong các siêu thị, cứ chợt thèm món cá tràu bắt trên đồng làng mẹ vẫn thường kho tộ, và thèm một bắp ngô non vừa bẻ nướng vội, vừa lội đồng cùng lũ bạn vừa cạp nhồm nhoàm, rồi nhìn nhau miệng đứa nào cũng lem nhem muội than mà cười ngặt nghẽo... Cuộc sống vội với người vợ Tây chỉ để lại cho Lượng đứa con gái nhỏ mà không đem lại sự ấm cúng gia đình như anh hằng mơ ước...

***

Lần đầu tiên đưa con về quê sau bao nhiêu năm xa cách, dọc theo bờ đê dòng sông xưa vẫn lững lờ trôi chở phù sa cho những đồng ngô đang trổ cờ xanh mướt mát, văng vẳng tiếng cười đùa, tiếng hát nghêu ngao của lũ trẻ mục đồng từ phía gò nổi giữa ngã ba sông khiến Lượng nao nao, miệng cũng lẩm nhẩm hát theo:

Nghé ơi… theo ta
Nghé bông, nghé hoa
Như cà mới nở
Mẹ gọi tiếng trước
Cắt cổ chạy mau
Mẹ gọi tiếng sau
Chân lồng mà chạy...

Bước chân vô định đưa Lượng đến nơi trước kia là ngôi nhà và khu vườn có cây ổi bo thơm nức, giờ là trường tiểu học của xã. Vừa lúc buổi học kết thúc, như có một thôi thúc níu bước chân Lượng, mà trống ngực anh cũng rộn ràng như tiếng trống tan trường. Phía trước một mùa xuân mới đang về...

Theo Phan Ngân Hà/http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/