Tự chủ thời đại - Chương VI. Nhà Trần (Thời kỳ thứ nhất)

28/03/2005 10:12:27 AM

(Tiếp theo kỳ trước)

Chương VI

 NHÀ TRẦN
(1225-1400)
Thời kỳ thứ nhất (1225 - 1293)

I. Trần Thái Tông

II. Trần Thánh Tông

III. Trần Nhân Tông

 

 I. TRẦN THÁI TÔNG (1225 - 1258)

Niên hiệu: Kiến Trung (1225-1237). Thiên Ứng Chính Bình (1238-1350). Nguyên Phong (1251-1258).

1. TRẦN THỦ ĐỘ. Tháng Chạp năm Ất Dậu (1225) Trần Cảnh lên làm vua, tức là Trần Thái Tông phong cho Trần Thủ Độ làm Thái sư Thống quốc hành quân chinh thảo sự.

Bấy giờ vua Thái Tông mới có 8 tuổi, việc gì cũng do ở Trần Thủ Độ cả. Thủ Độ tuy là một người không có học vấn nhưng thật là một tay mưu lược, chủ ý cốt  gây dựng cơ nghiệp nhà Trần cho bền chặt, cho nên dẫu việc đến đâu, cũng làm cho được. Lý Huệ Tông tuy đã xuất gia đi ở chùa rồi, nhưng Thủ Độ vẫn định bụng giết đi, cho khỏi sự lo về sau.

Một hôm, Huệ Tông ngồi nhổ cỏ ở sân chùa Chân Giáo, Thủ Độ đi qua trông thấy, mới nói rằng: "Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ cái nó đi" Huệ Tông nghe thấy phủi tay nói rằng: "Nhà ngươi nói ta hiểu rồi". Được mấy hôm Thủ Độ cho người đến mời Huệ Tông, Huệ Tông biết ý, vào nhà sau thắt cổ tự tận. Thủ Độ đưa bách quan đến tế khóc xong rồi hoả táng, chôn ở tháp Bảo Quang.

Còn Thái hậu là Trần thị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa để gả cho Trần Thủ Độ (Trần Thủ Độ và Thiên Cực công chúa là hai chị em họ). Bao nhiêu những cung nhân nhà Lý thì đưa gả cho những tù trưởng các mường.

Thủ Độ đã hại Huệ Tông rồi, lại muốn trừ nốt các tôn thất nhà Lý. Đến năm Nhâm Thìn (1232) nhân làm lễ tế Tiên hậu nhà Lý ở thôn Thái Dương, làng Hoa Lâm (huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh), Thủ Độ sai đào hầm, làm nhà lá ở trên, để đến khi các tôn thất nhà Lý vào đấy tế lễ, thì sụt cả xuống hố, rồi đổ đất chôn sống cả.

Thủ Độ chỉ lo làm thế nào cho ngôi nhà Trần được vững bền, cho nên không những tàn ác với nhà Lý thôi, đến luân thường ở trong nhà, cũng làm loạn cả. Chiêu Thánh hoàng hậu lấy Thái Tông đã được 12 năm mà vẫn chưa có con (1). Thủ Độ bắt Thái Tông bỏ và giáng làm công chúa, rồi đem người chị bà Chiêu Thánh tức là vợ Trần Liễu vào làm hoàng hậu, bởi vì người chị đã có thai được 3 tháng.

Làm loạn nhân luân như thế, thì từ thượng cổ mới có là một. Trần Liễu tức giận đem quân làm loạn. Vua Thái Tông bị Thủ Độ hiếp chế như thế, trong bụng cũng không yên, đến đêm trốn ra, lên ở chùa Phù Vân, trên núi Yên Tử (huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên). Trần Thủ Độ biết tin ấy, đem quần thần đi đón Thái Tông về. Thái Tông không chịu về, nói rằng: "Trẫm còn nhỏ dại, không kham nổi việc to lớn, các quan nên chọn người khác để cho khỏi nhục xã tắc". Thủ Độ nói mãi không nghe, ngoảnh lại bảo bách quan rằng: "Hoàng thượng ở đâu là triều đình ở đấy!". Nói đoạn, truyền sắp sửa xây cung điện ở chùa Phù Vân. Quốc sư ở chùa ấy thấy thế, vào van lạy Thái Tông về triều, Thái Tông bất đắc dĩ truyền xa giá về Kinh.

Được ít lâu Trần Liễu biết sức mình không làm gì nổi, bèn nhân lúc Thái Tông ngự thuyền đi chơi, giả làm người đánh cá lẻn xuống thuyền ngự xin hàng. Hai anh em ôm nhau mà khóc. Thủ Độ nghe tin, đến rút gươm toan giết Trần Liễu, Thái Tông can mãi mới thôi. Sau Thái Tông lấy đất Yên Phụ, Yên Đường, Yên Sinh và Yên Bang (ở huyện Đông Triều và phủ Kinh Môn, Hải Dương) cho Trần Liễu làm thái ấp và phong cho làm An Sinh Vương.

Thủ Độ đã hại hết cả dòng dõi nhà Lý, lại muốn cho hậu thế không ai nhớ đến họ Lý nữa mới nhân vì Tổ nhà Trần tên là Lý, bắt trong nước ai là họ Lý đều phải cải là họ Nguyễn.

Thủ Độ thật là người gian ác đối với nhà Lý, nhưng lại là một người đại công thần của nhà Trần. Một tay cáng đáng bao nhiêu trọng sự, giúp Thái Tông bình phục được giặc giã trong nước và chỉnh đốn lại mọi việc, làm cho nước Nam ta bấy giờ được cường thịnh, ngày sau có thể chống cự với Mông Cổ, khỏi phải làm nô lệ những kẻ hùng cường.

2. VIỆC ĐÁNH DẸP GIẶC GIÃ. Nước An Nam từ khi vua Cao Tông nhà Lý thất chính, trong nước chỗ nào cũng có giặc giã. Ở mạn Quốc Oai thì có giặc Mường làm loạn, ở Hồng Châu thì có Đoàn Thượng chiếm giữ đất Đường Hào, tự xưng làm vua. Ở Bắc Giang thì có Nguyễn Nộn độc lập xưng vương ở làng Phù Đổng. Ấy là một nước mà chia ra làm mấy giang sơn.

Khi Trần Thủ Độ đã thu xếp xong việc cướp ngôi nhà Lý rồi, mới đem quân đi đánh dẹp. Trước lên bình giặc Mường ở Quốc Oai, sau về đánh bọn Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn. Nhưng thế lực hai người ấy mạnh lắm, Trần Thủ Độ đánh không lại, bèn chia đất phong cho hai người làm vương để giảng hoà.

Năm Mậu Tý (1228) Nguyễn Nộn đem quân đánh Đoàn Thượng, chiếm giữ lấy đất Đường Hào, thanh thế lừng lẫy. Trần Thủ Độ đã lấy làm lo. Nhưng chỉ được mấy tháng thì Nguyễn Nộn chết. Từ đó các châu huyện trong nước lại thống hợp làm một.

3. VIỆC CAI TRỊ. Cứ theo phép nhà Lý thì làng nào có bao nhiêu người đi làm quan văn, quan võ, thơ lại, quân lính, hoàng nam, lung lão, tàn tật và những người đến ở ngụ cư, hay là những người xiêu lạc đến ở trong làng, thì xã quan phải khai vào cả quyển sổ gọi là trướng tịch. Ai có quan tước mà có con được thừa ấm thì con lại được vào làm quan, còn những người giàu có, mà không có quan tước thì đời đời cứ phải đi lính. Thái Tông lên làm vua phải theo phép ấy, cho nên đến năm Mậu Tý (1288) lại sai quan vào Thanh Hoá làm lại trướng tịch theo như lệ nhà Lý ngày trước.

Năm Nhâm Dần (1242) Thái Tông chia nước Nam ra làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt quan cai trị là An Phủ sứ chánh phó 2 viên. Dưới An Phủ sứ có quan Đại tư xã và Tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên thì làm Đại tư xã, lục phẩm trở xuống thì làm Tiểu tư xã, mỗi viên cai trị, hoặc hai xã, hoặc ba bốn xã. Mỗi xã lại có một viên xã quan là Chánh sử giám.

Lộ nào cũng có quyển dân tịch riêng của lộ ấy.

4. VIỆC THUẾ MÁ. Người trong nước phân ra từng hạng: con trai từ 18 tuổi thì vào hạng Tiểu hoàng nam, từ 20 tuổi vào hạng Đại hoàng nam. Còn 60 tuổi trở lên thì vào Lão hạng.

Thuế thân: Thuế thân thời bấy giờ tùy theo số ruộng mà đánh, ai có một hai mẫu thì phải đóng một năm một quan tiền thuế thân; ai có ba bốn mẫu thì đóng hai quan; ai có năm mẫu trở lên thì đóng ba quan. Ai không có mẫu nào thì không phải đóng thuế.

Thuế ruộng: Thuế ruộng thì đóng bằng thóc, cứ mỗi một mẫu thì chủ điền phải đóng 100 thăng thóc.

Còn như ruộng công, thì có sách chép rằng đời nhà Trần có hai thứ ruộng công, mỗi thứ phân làm ba hạng.

1. Một thứ gọi là ruộng quốc khố: Hạng nhất mỗi mẫu đánh thuế 6 thạch 80 thăng thóc; hạng nhì mỗi mẫu 4 thạch; hạng ba mỗi mẫu 3 thạch.

2. Một thứ gọi là Thác điền(2): Hạng nhất mỗi mẫu đánh thuế một thạch thóc; hạng nhì ba mẫu lấy 1 thạch; hạng ba 4 mẫu lấy một thạch

Còn ruộng ao của công dân thì mỗi mẫu lấy 3 thăng thóc thuế.

Ruộng muối phải đóng bằng tiền.

Các thứ thuế: Có sách chép rằng nhà Trần đánh cả thuế trầu cau, thuế hương yên tức, và tôm, cá, rau, quả gì cũng đánh thuế cả.

Còn như vàng bạc tiêu dùng trong nước thì tiêu dùng bằng phân, lượng đã đúc sẵn, có hiệu nhà nước. Khi nào đóng nộp cho vua quan, thì một tiền là 70 đồng, mà thường tiêu với nhau thì một tiền chỉ có 69 đồng mà thôi.

5. VIỆC ĐẮP ĐÊ. Nước Nam ta ở mạn đường ngược thì lắm núi, mà ở mạn trung châu thì nhiều sông ngòi, cho nên đến mùa lụt nước ngàn, nước lũ chảy về ngập mất cả đồng điền. Vì vậy năm Mậu Thân (1244) Thái Tông sai quan ở các lộ đắp đê ở hai bên bờ sông Cái (Hồng Hà), gọi là đỉnh Nhĩ Đê. Lại đặt quan để coi việc đê, gọi là Hà đê chánh phó sứ hai viên. Hễ chỗ nào mà đê đắp vào ruộng của dân, thì nhà nước cứ chiếu theo giá ruộng mà bồi thường cho chủ ruộng.

6. VIỆC HỌC HÀNH. Năm Nhâm Thìn (1232) mở khoa thi Thái học sinh (thi Tiến sĩ). Từ đời nhà Lý cũng đã có thi Nho sĩ, nhưng chỉ thi Tam Trường mà thôi, đến bây giờ mới có khoa thi Thái học sinh, chia ra thứ bậc, làm ba giáp để định cao thấp. Đến khoa thi năm Đinh Vị (1247) lại đặt ra Tam khôi: Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Khoa thi năm Đinh Vị này có Lê Văn Hưu là người làm sử nước Nam trước hết cả, đỗ bảng nhãn. Năm ấy lại có mở khoa thi Tam giáo: Nho, Thích, Lão, ai hơn thì đỗ khoa Giáp, ai kém thì đỗ khoa Ất.

Xem như thế thì sự học vấn đời nhà Trần cũng rộng: Nho, Thích, Lão cũng trọng cả. Nhưng không rõ cách học hành và phép thi cử bấy giờ ra thế nào, bởi vì chỗ này sử chỉ nói lược qua mà thôi.

Năm Quý Mùi (1253) lập Quốc học viện để giảng Tứ thư ngũ kinh, và lập giảng võ đường để luyện tập võ nghệ.

7.  PHÁP LUẬT. Sử chép rằng năm Giáp Thìn (1244) vua Thái Tông có định lại các luật pháp, nhưng không nói rõ định ra thế nào. Xét trong sách "Lịch triều hiến chương" của ông Phan Huy Chú thì phép nhà Trần đặt ra là hễ những người phạm tội trộm cắp đều phải chặt tay, chặt chân hay là cho voi giày.

Xem như thế thì hình luật lúc bấy giờ nặng lắm.

8. QUAN CHẾ. Quan chế đời nhà Trần cũng sửa sang lại cả. Bấy giờ có Tam công, Tam thiếu, Thái uý, Tư mã, Tư đồ, Tư không làm văn võ đại thần. Tể tướng thì có tả hữu tướng quốc, thủ tướng, tham chi.

Văn giai nội chức thì có các bộ Thượng thư, Thị lang, Lang trung, Viên ngoại, Ngự sử, v.v... Ngoại chức, thì có An phủ sứ, Chi phủ, Thông phán, Thiên phán, v.v....

Còn Võ giai Nội chức, thì có Phiêu kỵ Thượng tướng quân, Cẩm vệ thượng tướng quân, Kim Ngô đại tướng quân, Võ vệ đại tướng quân, Phó đô tướng quân v.v... Ngoại chức thì có kinh lược sứ, phòng ngự sứ, thủ ngự sứ, quan sát sứ, Đô hộ, Đô thống, Tổng quản. v.v....

Quan lại đời bấy giờ, cứ 10 năm thì được thăng lên một hàng, và 15 năm mới được lên một chức.

Đời nhà Trần, tuy quan lại thì nhiều, nhưng vua quan có ý thân cận với nhau lắm. Hễ khi nào vua đãi yến, các quan uống rượu xong rồi, thì ra dắt tay nhau mà múa hát, không có giữ lễ phép nghiêm khắc như những đời sau.

9. BINH CHẾ. Từ khi Thái Tông lên ngôi làm vua thì việc binh lính một ngày một chỉnh đốn thêm. Bao nhiêu người dân tráng trong nước đều phải đi lính cả. Các thân vương ai cũng được quyền mộ tập quân lính. Vì cớ ấy cho nên đến sau người Mông Cổ sang đánh, nước Nam ta có hơn 20 vạn quân để chống với quân nghịch.

Trừ những giặc nhỏ mọn ở trong nước không kể chi, nước Nam ta bấy giờ ở phía nam có Chiêm Thành, phía bắc có quân Mông Cổ sang quấy nhiễu cho nên phải đánh dẹp luôn.

10. VIỆC ĐÁNH CHIÊM THÀNH. Từ khi Thái Tông lên làm vua, nước Chiêm Thành đã sang cống tiến, nhưng thường vẫn cứ sang cướp phá, và cứ đòi lại đất cũ. Thái Tông lấy làm tức giận, bèn sửa soạn đi đánh Chiêm Thành. Năm Nhâm Tý (1252) ngài ngự giá đi đánh, bắt được vương phi nước Chiêm tên là Bố Gia La và rất nhiều quân dân nước ấy.

11. QUÂN MÔNG CỔ SANG XÂM PHẠM ĐẤT AN NAM. Trong khi nhà Lý mất ngôi, nhà Trần lên làm vua ở An Nam, thì nhà Tống bên Tàu bị người Mông Cổ đánh phá.

Nguyên ở phía bắc nước Tàu có một dân tộc gọi là Mông Cổ, ở vào khoảng thượng lưu sông Hắc Long Giang (Amour). Người Mông Cổ hung tợn, mà lại có tính hiếu chiến, người nào cưỡi ngựa cũng giỏi, và bắn tên không ai bằng. Binh lính thường là quân kị, mà xếp đặt thành cơ nào đội ấy, thật là có thứ tự, và người nào cũng tinh nghề chiến đấu.

Bởi tính chất và binh pháp của người Mông Cổ như thế, cho nên Thiết Mộc Chân (Témoudjine) tức là Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan), miếu hiệu là Nguyên Thái Tổ, mới chiếm giữ được cả vùng Trung Á, cùng đất Ba Tư, sang đến phía đông bắc Âu-La-Ba. Sau Mông Cổ lại lấy được nước Tây Hạ, phía tây bắc nước Tàu, dứt được nước Kim và tràn sang đến nước Triều Tiên (Cao Ly).

Thành Cát Tư Hãn mất, người con thứ 3 là A Loa Đài (Agotai) lên làm vua tức là Nguyên Thái Tông. A Loa Đài truyền cho con là Qúi Do (Gouyouk) tức là Nguyên Định Tông. Qúi Do làm vua được non ba năm thì mất, ngôi vua Mông Cổ lại về chi khác. Người em con chú là Mông Kha (Mong Ké) lên làm vua, tức là Nguyên Hiếu Tông.

Mông Kha sai hai em là Hạt Lỗ (Houlagen) sang kinh lý việc nước Ba Tư, và Hốt Tất Liệt (Koubilai) sang đánh nhà Tống bên Tàu. Trong khi quân Mông Cổ đang đánh nhà Tống thì Mông Kha mất, Hốt Tất Liệt phải rút binh về lên ngôi vua tức là Nguyên Thế tổ. Hốt Tất Liệt lên làm vua rồi đổi quốc hiệu là Nguyên.

Hốt Tất Liệt lại sang đánh nhà Tống. Từ đó cả nước Tàu thuộc về Mông Cổ cai trị.

Khi Mông Kha hãy còn, Hốt Tất Liệt đem quân sang đánh nhà Tống, có sai một đạo quân đi đánh lấy nước Đại Lý (thuộc tỉnh Vân Nam bây giờ) tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai (Wouleangotai) sai sứ sang bảo vua Trần Thái Tông về thần phục Mông Cổ.

Thái Tông không những không chịu, lại bắt giam sứ Mông Cổ, rồi sai Trần Quốc Tuấn đem binh lên giữ ở phía bắc. Bấy giờ là năm Đinh Tỵ (1257).

Ngột Lương Hợp Thai bèn từ Vân Nam đem quân sang địa phận An Nam, đi đường sông Thao Giang, tỉnh Hưng Hoá, xuống đánh Thăng Long.

Trần Quốc Tuấn ít quân đánh không nổi, lùi về đóng ở Sơn Tây. Quân Mông Cổ kéo tràn xuống đến sông Thao. Thái Tông phải ngự giá thân chinh, nhưng đánh không được, chạy về đóng ở sông Hồng Hà(3). Quân Mông Cổ tiến lên đánh đuổi quân nhà Trần đến Đông Bộ đầu (Phía đông sông Nhị Hà ở hạt huyện Thượng Phúc). Thái Tông phải bỏ kinh đô, chạy về đóng ở sông Thiên Mạc (về hạt huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên).

Quân Mông Cổ vào thành Thăng Long, thấy ba người sứ Mông Cổ còn phải trói, giam ở trong ngục, đến khi cởi trói ra thì một người chết. Ngột Lương Hợp Thai thấy thế tức giận quá, cho quân ra cướp phá, giết cả nam phụ lão ấu ở trong thành.

Bấy giờ thế nguy. Thái Tông ngự thuyền đến hỏi Thái uý là Trần Nhật Hiệu. Nhật Hiệu không nói gì cả, cầm sào viết xuống nước hai chữ "Nhập Tống". Thái Tông lại đi đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ nói rằng: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, thì xin bệ hạ đừng lo!".

Thái Tông nghe thấy Thủ Độ nói cứng cỏi như thế, trong bụng mới yên.

Được ít lâu quân Mông Cổ ở nước Nam không quen thuỷ thổ xem ra bộ mệt mỏi. Thái Tông mới tiến binh lên đánh ở Đông Bộ đầu. Quân Mông Cổ thua chạy về đến trại Quy Hoá, lại bị chủ trại ở đấy chiêu tập thổ dân ra đón đánh. Quân Mông Cổ thua to, rút về Vân Nam, đi đường mỏi mệt, đến đâu cũng không cướp phá gì cả, cho nên người ta gọi là giặc Phật.

Quân Mông Cổ tuy thua phải rút về, nhưng chẳng bao lâu sau Mông Cổ dứt được nhà Tống, lấy được nước Tàu, rồi có ý muốn bắt vua nước Nam ta sang chầu ở Bắc Kinh, bởi vậy lại sai sứ sang đòi lệ cống. Vua Thái Tông sai Lê Phụ Trần sang sứ xin cứ ba năm sang cống một lần.

Mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258). Thái Tông nhường ngôi cho Thái Tử là Trần Hoảng, để dạy bảo mọi việc về cách trị nước, và để phòng ngày sau anh em không tranh nhau.

Triều đình tôn Thái Tông lên làm Thái Thượng hoàng để cùng coi việc nước.

Thái Tông trị vì được 33 năm, làm Thái thượng hoàng được 19 năm thì mất, thọ 60 tuổi.

 II. TRẦN THÁNH TÔNG (1258 - 1278)

Niên hiệu: Thiệu Long (1258 - 1272) Bảo Phù (1273 - 1278)

1. VIỆC CHÍNH TRỊ. Thái tử Hoảng lên ngôi, tức là vua Thánh Tông, đổi niên hiệu là Thiệu Long.

Thánh Tông là ông vua nhân từ trung hậu, ăn ở với anh em họ hàng rất là tử tế. Thường hay nói rằng: "Thiên hạ là của ông cha để lại, nên để cho anh em cùng hưởng phú quí chung". Rồi cho các hoàng thân vào nội điện, cùng ăn một mâm, nằm một giường, thật là thân ái, chỉ có lúc nào ra việc công, hoặc buổi chầu, thì mới phân thứ tự theo lễ phép mà thôi.

Còn việc nước thì thật ngài có lòng lo giữ cho dân được yên trị. Trong 21 năm, ngài làm vua không có giặc giã gì cả. Việc học hành cũng mở mang thêm: cho Hoàng đệ Trần Ích Tắc là một người hay chữ lúc ấy, mở học đường để những người văn sĩ học tập. Danh nho Mạc Đĩnh Chi cũng học ở trường ấy.

Đời bấy giờ Lê Văn Hưu làm xong bộ Đại Việt sử  thành 30 quyển, chép từ Triệu Võ Vương đến Lý Chiêu Hoàng. Bộ sử này khởi đầu làm từ đời Trần Thái Tông đến năm Nhâm Thân (1272) đời Thánh Tông mới xong. Nước Nam ta có quốc sử khởi đầu từ đấy.

Thánh Tông lại bắt các vương hầu, phò mã phải chiêu tập những người nghèo đói lưu lạc để khai khẩn hoang điền làm trang bộ. Trang điền có từ đấy.

2. SỰ GIAO THIỆP VỚI MÔNG CỔ. Nước tuy được yên, song việc giao thiệp với Tàu một ngày một khó thêm. Đời bấy giờ Mông Cổ đã đánh được nhà Tống rồi, chỉ chực lấy nước An Nam, nhưng vì trước tướng Mông Cổ đã đánh thua một trận, vả trong nước Tàu cũng chưa được yên, cho nên vua Mông Cổ muốn dụng kế dụ vua An Nam sang hàng phục, để khỏi dùng can qua. Vậy cứ vài năm lại cho sứ sang sách nhiễu điều nọ điều kia, và dụ vua An Nam sang chầu, nhưng vua ta cứ nay lần mai lữa, không chịu đi. Sau nhân dịp Thái Tông nhường ngôi cho Thánh Tông, vua Mông Cổ sai sứ sang phong vuơng cho Thánh Tông, và tuy không bắt nước Nam phải đổi phục sắc và chính trị, nhưng định cho ba năm phải một lần cống. Mà lệ cống thì phải chọn nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy toán số và thợ thuyền mỗi hạng ba người, cùng với các đồ sản vật như sừng tê, ngà voi, đồi mồi, châu báu và các vật lạ. Vua Mông Cổ lại đặt quan Đạt lỗ hoa xích (tiếng Mông Cổ tức là quan Chưởng ấn), để đi lại giám trị các châu quận nước Nam.

Ý Mông Cổ muốn biết nhân vật tài sản nước Nam ta có những gì, và học vấn xảo kỹ ra làm sao, để liệu đường mà đánh lấy cho tiện. Và tuy rằng quyền chính trị vẫn để cho vua nuớc Nam, nhưng đặt quan giám trị để dần dần lập thành Bảo hộ.

Thánh Tông bề ngoài tuy vẫn chịu thần phục, nhưng trong bụng cũng biết rằng Mông Cổ có ý đánh lấy nước mình, cho nên cứ tu binh dụng võ để phòng có ngày tranh chiến. Vậy tuyển đinh tráng các lộ làm lính, phân quân ngũ ra làm quân và đô: mỗi quân có 30 đô, mỗi đô có 80 người, bắt phải luyện tập luôn.

Năm Bính Dần (1266) nhân sứ Mông Cổ sang, Thánh Tông sai quan sang Tàu đáp lễ và xin đừng bắt nho sĩ, thầy bói và các thợ thuyền sang cống. Vua Mông Cổ ưng cho, nhưng bắt chịu 6 điều khác:

1. Vua phải thân vào chầu

2. Vua phải cho con hay là em sang làm tin

3. Biên sổ dân sang nộp

4. Phải chịu việc binh dịch

5. Phải nộp thuế má

6. Vẫn cứ đặt quan giám trị

Vua An Nam cứ lần lữa không chịu. Đến năm Tân Mùi (1271) vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt cải quốc hiệu là Đại Nguyên, rồi cho sứ sang dụ Thánh Tông sang chầu nhưng Thánh Tông cáo bệnh không đi.

Năm sau Nguyên chủ cho sứ sang tìm cột đồng trụ của Mã Viện trồng ngày trước, nhưng Thánh Tông sai quan sang nói rằng: cột ấy lâu ngày mất đi rồi, không biết đâu mà tìm nữa. Việc ấy cũng thôi.

Đến năm Ất Hợi (1275) Thánh Tông sai sứ sang Tàu nói rằng: nước Nam không phải là nước Mường Mán mà đặt quan giám trị, xin đổi quan Đại lỗ hoa xích làm quan Dẫn tiến sứ. Vua nhà Nguyên không cho, lại bắt theo 6 điều đã định trước. Thánh Tông cũng không chịu. Tự đấy vua nhà Nguyên thấy dụng mưu không được, quyết ý cử binh sang đánh nước Nam, sai quan ở biên giới do thám địa thế nước ta. Bên An Nam cũng đặt quan phòng bị.

Năm Đinh Sửu (1277) Thái thượng hoàng mất ở Thiên Trường phủ (tức là làng Tức Mạc). Năm sau (1278), Thánh Tông nhường ngôi cho Thái tử Khâm, rồi về ở Thiên Trường làm Thái thượng hoàng.

Thánh Tông trị vì được 21 năm, làm Thái thượng hoàng được 13 năm, thọ 51 tuổi.

 III. TRẦN NHÂN TÔNG (1279 - 1293)

Niên hiệu: Thiệu Bảo (1279 - 1284) Trùng Hưng (1285 - 1293)

1. VIỆC CHÍNH TRỊ. Thái tử Trần Khâm lên làm vua, tức là vua Nhân Tông.

Lúc bấy giờ sứ nhà Nguyên đi lại hạch điều này, trách điều nọ, triều đình cũng có lắm việc bối rối. Nhưng nhờ có Thánh Tông thượng hoàng còn coi mọi việc mà các quan triều đình nhiều người có tài trí, vua Nhân Tông lại là ông vua thông minh, quả quyết, mà người trong nước thì từ vua quan cho chí dân sự đều một lòng cả, cho nên từ năm Giáp Thân (1284) đến năm Mậu Tí (1288) hai lần quân Mông Cổ sang đánh phá mà rồi không làm gì được.

Trừ việc chiến tranh với Mông Cổ ra, để sau sẽ nói, trong đời vua Nhân Tông lại còn có giặc Lào, thường hay sang quấy nhiễu ở chỗ biên thuỳ, bởi vậy năm Canh Dần (1290) vua Nhân Tông lại phải ngự giá đi đánh Lào.

2. VIỆC VĂN HỌC. Đời vua Nhân Tông có nhiều giặc giã, tuy vậy việc văn học cũng hưng thịnh lắm. Xem bài hịch của Hưng Đạo Vương, thơ của ông Trần Quang Khải và của ông Phạm Ngũ Lão thì biết là văn chương đời bấy giờ có khí lực mạnh mẽ lắm.

Lại có quan Hình bộ Thương thư là ông Nguyễn Thiên khởi đầu dùng chữ Nôm mà làm thơ phú. Ông Nguyễn Thiên là nguời Thanh Lâm(4) , tỉnh Hải Dương, có tiếng tài làm văn như ông Hàn Dũ bên Tàu ngày xưa, bởi vậy vua cho đổi họ là Hàn. Về sau người mình theo lối ấy làm thơ, gọi là Hàn luật.

Năm Quí Tị (1293) Nhân Tông truyền ngôi cho Thái tử là Thuyên, rồi về Thiên Trường làm Thái thượng hoàng. Nhân Tông trị vì được 14 năm, nhường ngôi đuợc 13 năm, thọ 51 tuổi.

----------------------

* Chú thích ảnh:

(1)  Chiêu Thánh hoàng hậu bấy giờ mới có 19 tuổi.

(2) Sử chép rằng: Ông Lê Phụng Hiểu đời vua Lý Thái Tông đi đánh giặc lập được nhiều công. Sau vua định phong tước cho ông, ông từ chối, xin lên núi ném con dao, hễ rơi đến đâu xin lấy đất làm tư  nghiệp.

Vua thuận cho. Lê Phụng Hiểu mới lên núi Băng Sơn ném con dao xuống xa được 10 dặm. Vua bèn lấy ruộng ở chung quanh núi Băng Sơn cho ông, gọi là Thác Thao Điền. Sau thành ra tên Thác Điền là ruộng để thưởng công cho các quan.

(3) Sử ta chép là sông Phú Lương.

(4) Làng Lai Hạ, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, nay thuộc huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh.

(Xem tiếp kỳ sau)