Bán một dải giang sơn lấy 4000 lạng bạc!

16/04/2014 08:10:09 AM
Gớm thay đồng bạc, kẻ tham dẫu gần hay xa đều mờ mắt vì nó cả!

Chép việc của tháng 10 năm Kỉ Tị (1689), sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 34, tờ 23 và 24) có đoạn như sau:

"Thôn Na Oa, châu Lộc Bình (Lạng Sơn) là nơi đất đai rộng rãi và mầu mỡ, nằm tiếp giáp với châu Tư Lăng (của Trung Quốc - ND). Thổ tù là Vi Đức Thắng đời đời cư ngụ ở đất này. Gần đây, vì biên giới phương Bắc bất ổn, đất đai phần nhiều bị bỏ hoang, nhân cơ hội ấy (Vi) Đức Thắng bèn xâm chiếm luôn bảy thôn của châu Tư Lăng rồi chiêu tập dân ở biên giới đến lập thành thôn trại.

Thổ tù châu Tư Lăng là Vi Vinh Diệu đem việc này tố cáo với quan Tổng đốc Quảng Tây (của nhà Thanh) là Ngô Hưng Tộ. Vả chăng, (Vi) Vinh Diệu thấy đất Na Oa mầu mỡ nên cũng muốn nhân đó để lấy hết về cho mình. Việc này, triều đình đã từng cho đưa công văn lên để cùng khám xét, nhưng suốt cả mấy năm trời vẫn chưa xong. Sau, triều đình sai Đoàn Tuấn Khoa cùng với quan Giám sát Ngự sử là Lê Chí Tuân sang phủ Tư Thành (thuộc Quảng Tây - ND) của nhà Thanh để hội khám. Có viên quan trong quân phủ của nhà Thanh là Lân Sần hỏi Vi Đức Thắng rằng:

- Bên tả và bên hữu của động núi thì gọi là gì?

(Vi) Đức Thắng không sao trả lời được, thành ra cuộc hội khám này bất thành. Triều đình đành đình chỉ chức Bồi tụng của (Đoàn) Tuấn Khoa.

Đến đây, triều đình lại sai (Đoàn) Tuấn Khoa đi hội khám. Về phía nhà Thanh, nhà Thanh cử viên quan trong quân phủ của phủ Tư Minh là người họ Trần, cùng với viên quan trong quân phủ của dinh Quỳ Đạo là người họ Trương (cả hai đều chưa rõ tên). Lúc ấy, (Đoàn) Tuấn Khoa giấu (Vi) Đức Thắng ở một nơi riêng, không cho hội kiến. Mỗi khi người nhà Thanh hỏi việc gì, (Vi) Đức Thắng phải giả vờ câm, nhờ phiên dịch trả lời thay.

 Tới lúc đi cắm cột mốc phân chia ranh giới, Vi Vinh Diệu chỉ một ngọn núi cao, trên có con sư tử đá màu trắng, lấy đó làm chỗ phân chia hai nước. Quan của nhà Thanh được cử đi hội khám nói:

- Giới mốc ở núi này, tại sao lại tranh xuống đến đất Na Oa? Có phải ngươi cậy thế là người của thiên triều để xâm chiếm đất đai An Nam hay không?

Hai bên bèn quyết định lấy đất Na Oa trả về cho châu Lộc Bình (là một châu thuộc Lạng Sơn của ta - ND). (Vi) Vinh Diệu tự nghĩ, đã không chiếm được Na Oa thì cũng chẳng tham gì bảy thôn hoang vu kia, bèn bỏ luôn một thể. (Đoàn) Tuấn Khoa cùng người nhà Thanh lập mốc đá rồi về.

Về đất bảy thôn mà ta được nhận, tất cả đều hoang vu, không hề có bóng người, không hề thấy khói bếp, chỉ có đất Na Oa là rộng rãi, người đông, mối lợi thu được khá lớn. Trịnh Căn khen về việc này, bèn phục chức Bồi tụng cho (Đoàn) Tuấn Khoa.

Về sau, Thổ ti của châu Tư Lăng cứ kiện tụng mãi, triều đình phải sai quan Bồi tụng là Nguyễn Đình Hoàn cùng với quan Đốc trấn Lạng Sơn là Đinh Phụ Ích đi khám xét. Viên thổ tù của châu Tư Lăng là Vi Thế Hoa đem 4000 lạng bạc đến làm tin, để ở thôn Na Oa, (thổ tù của Na Oa) là Vi Phúc Kiêm tự ý ưng thuận. (Vi) Thế Hoa bèn đào hào và dựng ba bia đá ở xã An Khoái, châu Lộc Bình (làm địa giới mới). Từ đấy, đất Na Oa lại bị nhà Thanh chiếm mất".


Lời bàn:

Vi Đức Thắng trước đã cho nói mà nói chẳng nên lời, vì thế, sau có bị đóng vai người câm cũng là chí phải. Cha ông vẫn dạy: biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe đó thôi!

Quan Bồi tụng là Đoàn Tuấn Khoa bị thua cuộc trong chỗ không ngờ, cho nên mới quyết chí lập công chuộc tội, kể cũng đáng khen. Chúa Trịnh Căn tái cử ông đi hội khám, thế cũng đáng cho là hiểu rõ liêu thuộc của mình vậy. Cái kế mà Đoàn Tuấn Khoa thi hành, chẳng qua cũng chỉ là kế mọn, nhưng biết làm sao hơn được, kẻ tiểu nhân vẫn thường sợ mẹo vặt hơn sợ sự đường đường chính chính đó thôi.

Tiếc thay, chỉ 4000 lạng bạc của Vi Thế Hoa mà Vi Phúc Kiêm đã mờ mắt cam lòng đem đất Na Oa mầu mỡ cho nhà Mãn Thanh. Một dải giang sơn thiêng liêng là vậy mà sao nỡ rẻ rúng đến vậy. Căm giận thay!

Nhưng, giận riêng Vi Phúc Kiêm mà được chăng? Trên Vi Phúc Kiêm còn có quan Đốc trấn Lạng Sơn là Đinh Phụ Ích, trên Đinh Phụ Ích còn có quan Bồi tụng là Nguyễn Đình Hoàn, và trên Nguyễn Đình Hoàn lại còn có cả Vua lẫn Chúa cùng bá quan văn võ đó thôi.

Gớm thay đồng bạc, kẻ tham dẫu gần hay xa đều mờ mắt vì nó cả!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)