Cái chết của Lê Ý

06/02/2013 08:22:19 AM
Năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Họ Mạc xưng đế và nuôi chí trị vì thiên hạ, kể cũng khá lâu dài, nhưng lịch sử nhà Mạc thực sự chỉ kéo dài hơn sáu chục năm (1527 - 1592). Từ khi chiếm giữ được vũ đài chính trị cho đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn, họ Mạc luôn luôn phải chiến đấu chống các thế lực đối địch, mà mở đầu là thế lực của họ Lê do Lê Ý cầm đầu.

Tiếc thay, Lê Ý có dư chí khí mà lại thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm, khiến phải chết đau đớn khi sự nghiệp lớn còn dở dang. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 15, tờ 74 a-b và tờ 76 a-b) chép rằng:

"Bấy giờ, người xứ Thanh Hoa là Lê Ý, vốn dòng dõi bên ngoại của họ Lê (chỉ dòng dõi vua Lê - ND), vì căm giận họ Mạc cướp ngôi, bèn dấy quân ở Da Châu (tức châu Quan Da, sau đổi là châu Quan Hóa, thuộc tỉnh Thanh Hóa - ND), xưng niên hiệu là Quang Thiệu, được rất nhiều người theo về. Trong khoảng chưa đầy một tháng, các huyện đều hưởng ứng, quân số lên đến vài vạn người. Lê Ý bèn cùng các bộ tướng của mình như : Lê Như Bích, Lê Bá Tạo, Hà Công Liêu, Lê Tông Xá, Nguyễn Cảo... bày doanh trại, chia quân thành cơ, thành đội, thành ngũ... rồi đặt súng lệnh, giương cờ hiệu, kéo ra đóng bên bờ sông Mã. Từ đấy, hào kiệt khắp cõi đều cho là họ Lê sẽ khôi phục được cơ nghiệp, bèn cùng nhau hồ hởi theo về, chưa đầy vài năm mà thanh thế (của Lê Ý) đã rất lừng lẫy"…

"Mùa hạ, tháng tư (năm Canh Dần, 1530 - ND), Mạc Đăng Dung đích thân chỉ huy vài vạn quân thủy và bộ vào sông Mã để đánh Lê Ý. Quân của Mạc Đăng Dung thua luôn mấy trận, đành phải lui về kinh đô (tức về Thăng Long - ND), chỉ để bọn Thái sư là Lân Quốc Công Mạc Quốc Trinh ở lại trấn giữ dinh Hoa Lâm (thuộc Thanh Hóa - ND). Sau, Mạc Quốc Trinh lại lui về giữ vùng Tống Giang (thuộc Ninh Bình - ND).

Mùa thu, tháng 7, Lê Ý tiến quân vế đóng giữ thành Tây Đô (tức thành Thanh Hóa - ND), lập hành dinh ở vùng sông Nghĩa Lộ. Bấy giờ, có người đến dâng bộ hoàng bào và hai chiếc lọng vàng, binh sĩ bèn làm lễ chúc mừng rất trọng thể. Tháng 8, ngày 23, Mạc Đăng Dung đã về đến kinh đô, sai Mạc Đăng Doanh (con trưởng của Mạc Đăng Dung, lúc này đã được Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho - ND) đem quân vào Thanh Hoa, hội quân ở sông Hoằng Hóa (tức là sông Lạch Trường, Thanh Hóa - ND), rồi cùng tiến đánh Lê Ý. Mạc Quốc Trinh dẫn 200 chiến thuyền đi tiên phong, hẹn ba ngày sau sẽ đến sông Đa Lộc (nay thuộc Yên Định, Thanh Hóa - ND). Lúc này, Lê Ý đã dự phòng từ trước, dàn quân sẵn ở sông Đa Lộc, xong, tự mình đem quân tinh nhuệ bí mật theo đường tắt mà tiến trong đêm, tới sáng thì đến sông Yên Sơn (tên một đoạn của sông Mã - ND), nổi ba phát pháo hiệu, đánh chặn phía sau quân của Mạc Quốc Trinh. Toàn quân nhà Mạc ở đây sợ hãi mà tan vỡ, bỏ thuyền nhảy lên bờ chạy tán loạn. Lê Ý cưỡi ngựa, đốc suất các tướng xông pha trận mạc, tự tay đâm chết hơn 70 tên. Quân Mạc đại bại, Lê Ý thừa thắng đuổi đánh, chém giết vô kể.

Mãi đến giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ - ND), Mạc Đăng Doanh vẫn chưa biết là Mạc Quốc Trinh đã bị thua trận, bèn tự mình đốc suất các tướng là người trong tôn thất, tiến đến xã Động Bàng (thuộc Thanh Hóa - ND), tính đuổi theo quân Lê Ý. Lê Ý biết tin, bèn hăng hái xuống lệnh cho các tướng rằng:

 - Nay được gặp bọn giặc lớn ở đây, nếu không quyết đánh thì không thể mong hưng phục được nhà Lê. Các tướng nghe lệnh, đều dốc sức đánh, cả phá quân Mạc, chém được hơn một vạn tên, xác chết chồng chất lên nhau. Mạc Đăng Doanh đành lui quân cố thủ, trong lúc đó, quân Lê Ý thắng trận một ngày hai lần, uy danh vang dội, khiến cho quân Mạc phải chạy dài.

…"Bấy giờ (tháng 12 năm 1530 - ND) Lê Ý thu quân, triệt phá doanh trại, về đóng ở Da Châu, vì mới thắng luôn mấy trận nên sinh lòng kiêu ngạo, không còn lo phòng bị như trước, lại có ý coi thường đối phương. Bởi lương ăn đã cạn, Lê Ý sai tướng sĩ vào tận núi xa để vận chuyển, quân ở lại chẳng bao nhiêu, doanh trại gần như bỏ trống, đội ngũ không chỉnh tề. Nhờ có người báo tin, Mạc Quốc Trinh biết được, bèn chọn quân tinh tuệ, đem 50 chiến thuyền đi gấp đến đánh Da Châu. Lê Ý xông ra đánh không được bị quân Mạc bắt sống, toàn quân Lê Ý tan vỡ tháo chạy tán loạn, kẻ sang Ai Lao, kẻ đến theo An Thanh Hầu Nguyễn Kim, kẻ thì trở về với việc đồng áng. Mạc Quốc Trinh đem Lê Ý đóng cũi chuyển về kinh. Triều đình nhà Mạc dùng xe ngựa xé xác Lê Ý ở phía ngoài cửa Nam thành".

Lời bàn:

Giữa lúc chính sự nhiễu nhương, nhân tâm li tán, nhà Mạc đã chiếm được hầu khắp cả cõi, vậy mà Lê Ý dám to gan làm chuyện chọc trời khuấy nước, chí cả ấy kể cũng đáng kính lắm thay! Song, thắng hai trận lớn liền trong một ngày, bảo Lê Ý có chút tài và gặp may cũng được, mà bảo là quân nhà Mạc trong trận này vừa dở vừa xui xẻo cũng được. Xem trận Da Châu thì rõ, Lê Ý chủ quan bất cẩn đã đành, mà các sách binh thư chừng như cũng chưa đọc kĩ, cho nên, bảo không đại bại làm sao được. Lê Ý bị xe ngựa nhà Mạc xé xác, nhưng bài học về sự cẩn trọng thì mãi còn nguyên vẹn với thiên thu. Mới hay, có chí cả không thôi chưa đủ, muốn tạo lập sự nghiệp lớn, còn cần phải có bản lĩnh cao cường nữa.

Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần