Nỗi đau Thị Thừa

20/11/2013 08:12:27 AM
Người con gái ấy tên là Thừa nên sử chép là Thị Thừa, còn như họ của cô là gì thì không ai rõ. Thị Thừa quê ở Nghệ An, có nhan sắc lại có tài hát xướng, và không hiểu vì sao, cô đã lưu lạc vào Nam, trở thành con hát trong phủ chúa Nguyễn Phúc Tần. Lúc đầu, Thị Thừa được Chúa yêu mến, nhưng rồi đột ngột, Chúa thay đổi hẳn tâm tính, Thị Thừa vì thế mà bị chết oan.

Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 4) chép rằng:

"Nhâm Thìn, năm thứ tư (tức năm 1652-ND), Chúa chăm việc chính trị, không chuộng yến tiệc vui chơi như trước nữa. Bấy giờ, có người con hát ở Nghệ An tên là Thừa, nhan sắc xinh đẹp, được Chúa lấy vào phủ.. Chúa đọc sách Quốc ngữ, tới chuyện vua Ngô yêu nàng Tây Thi thì chợt tỉnh ngộ (việc mình yêu Thị Thừa là sai), lập tức, sai Thị Thừa mang áo ngự đến cho Nguyễn Phúc Kiều, nhưng lại giấu để bức thư ở trong áo, ngầm sai (Nguyễn Phúc) Kiều dìm nước để giết (Thị Thừa) đi".

Lời bàn:

Chúa chăm lo việc chính trị không chuộng yến tiệc như trước nữa, đó là điều đáng khen. Cổ kim vẫn cho hay, kẻ đắm mình trong yến tiệc, làm người thường còn khó nổi, huống chi là làm Chúa thiên hạ. Vả chăng, nếu Chúa cứ đam mê tửu sắc, trăm họ cũng quyết không để Chúa yên, bởi lẽ, có ai lại trao vận mệnh một cõi sơn hà cho kẻ suốt đời chỉ biết có ăn chơi.

Nhưng, để tỏ là chăm lo việc chính trị, không chuộng yến tiệc như trước nữa, Chúa đã đang tâm sai Nguyễn Phúc Kiều giết chết Thị Thừa, ấy là phạm tội ác không thể tha. Chúa đọc Quốc ngữ mà chợt tỉnh ngộ, nhưng buồn thay, Thị Thừa nào phải là Tây Thi, chưa từng thấy nàng để tâm hay can thiệp vào công việc của Chúa cả. Riêng chuyện này, Chúa sợ Thị Thừa cũng sẽ như Tây Thi, nhưng xem ra, Chúa lại chưa thể sánh được với vua Ngô thuở nào.

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn nói Thị Thừa bị Nguyễn Phúc Kiều đánh thuốc độc chết chứ không phải là dìm nước, nhưng, chết cách nào thì Thị Thừa cũng là người bị giết oan. Chúa đọc sách, hiểu chuyện ngàn xưa mà chẳng hiểu chuyện mình. Mới hay, đọc sách mà không cất công suy gẫm trước sau, thì thà cam phận làm kẻ dốt nát, cả đời không cầm lấy sách còn hơn.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)