Vũ Duy Chí với lời can ngăn chúa Trịnh Tạc

12/03/2014 08:00:40 AM
Vũ Duy Chí người xã Mộ Trạch, huyện Đường An, sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông từng làm quan dưới thời vua Lê Huyền Tông (1662 - 1671) và chúa Trịnh Tạc (1657 - 1682).

Năm 1664, Vũ Duy Chí được trao chức Thượng thư Bộ binh và đến năm Kỉ Dậu (1669) thì được dự bàn các việc của phủ Chúa. Bởi được chúa Trịnh Tạc đặc biệt ưu ái, hoạn lộ của Vũ Duy Chí luôn rộng mở thênh thang và điều này đã khiến cho bá quan không khỏi dị nghị. Nhưng, Vũ Duy Chí có thực xứng với chức tước hay không? Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 33, tờ 27) chép rằng:

“Duy Chí là người kín đáo, làm việc có cân nhắc, tính toán cẩn thận, rất thông hiểu việc trị dân. Đã thế, ông lại là người có văn học, cho nên, ngay từ khi còn là Thế Tử, Trịnh Tạc đã có lòng tin cẩn và yêu mến ông. Duy Chí được thăng dần đến chức Thượng thư, tước Phương Quận công, đến nay, Duy Chí lại được cùng với Đăng Tuyển (tức Trần Đăng Tuyển, người xã Hoàng Mai, huyện Yên Dũng, nay thuộc Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1643, nguyên Thượng thư bộ Hộ - ND) và Duy Hiệu (tức Lê Duy Hiệu, nguyên Thượng thư bộ Công - ND) vào trông coi các việc trong phủ Chúa. Có người bàn luận về tư cách của Duy Chí, Trịnh Tạc bèn làm bài Luận giải nghi (luận giải chỗ còn ngờ), mượn việc lâm của Tiêu (tức Tiêu Hà, danh thần Trung Quốc đời Hán - ND), Tào (tức Tào Tham, cũng là danh thần Trung Quốc đời Hán - ND), Phòng (tức Phòng Huyền Linh, danh thần Trung Quốc đời Đường- ND) và Đỗ (tức Đỗ Như Hối, cũng là danh thần Trung Quốc đời Đường – ND) để làm sáng tỏ (việc cất nhắc Vũ Duy Chí) và làm yên lòng quan lại.

Lúc Vũ Duy Chí làm việc trong phủ Chúa, gặp tiết Nguyên đán, trăm quan vào chầu mừng vua Lê và chúa Trịnh. Theo lệ, chầu Vua trước, vào phủ Chúa sau, và khi vào phủ Chúa thì mọi người phải thay triều phục rồi mới làm lễ lạy mừng. Trịnh Tạc bắt trăm quan cứ mặc nguyên triều phục. Duy Chí nói:

 - Lễ mừng ở phủ Chúa nên dùng áo thanh cát mới đúng, không thể làm trái phép cũ được.

 Trịnh Tạc nghe vậy bèn thôi. Bấy giờ, người ta bảo Duy Chí rất có phong độ của một bầy tôi biết can ngăn".

Lời bàn:

Sử cũ cho hay, Vũ Duy Chí xuất thân Lại điển, nghĩa là làm quan được thăng dần chứ không phải là xuất thân khoa bảng tức là nhờ đỗ cao mà được tuyển dụng. Sử cũ phân biệt là chuyện của sử cũ, thiên hạ xét quan trước sau đều chỉ ở tài và đức mà thôi. Tài ở đây là tài xét việc, đức ở đây là đức thương dân. Mảnh bằng tài đức vô hình mà thiên hạ cấp, xem ra còn ngàn lần giá trị hơn mảnh bằng của các trường thi. Vũ Duy Chí tuy chưa được thiên hạ cấp cho mảnh bằng tài đức vô hình ấy, nhưng ít ra thì ông cũng được chúa Trịnh Tạc xét tài không phải từ học vị mà từ công việc cụ thể ông đã làm. Bài Luận giải nghi quả đúng là bài chuyển tải chút lòng đặc biệt ưu ái mà Chúa đã dành riêng cho ông vậy. Cảm cái nghĩa ấy, nếu Vũ Duy Chí có dốc lòng cúc cung tận tụy với Chúa, coi mệnh Chúa là ... mệnh trời, lẽ cũng dễ hiểu thôi.

Lời can ngăn chúa Trịnh Tạc mà Vũ Duy Chí đã nói là lời nghiêm nghị và thẳng thắn, đáng làm mẫu mực cho một thời chăng? Hẳn nhiên là chưa đến mức ấy, song, trước là chỗ thân tình thuở còn chưa tức vị, sau là chỗ tương hợp chúa tôi tâm đắc. Vũ Duy Chí vẫn chẳng hề vì nặng ơn nghĩa riêng mà coi thường quốc lễ, đáng khen thay!

Vua chúa xưa vẫn thường cầu lời nói thẳng, miễn là lời nói thẳng ấy không làm ảnh hường gì đến ngôi vị đế vương. Có được lời như lời của Vũ Duy Chí, nào khác gì được thêm một vật lạ để trang trí trong cung. Hóa ra, can ngăn người khác mà khôn khéo thì kẻ thu lợi đôi khi lại là chính mình. Các quan thời ấy khen Vũ Duy Chí là người có được phong độ của bầy tôi biết can ngăn, thật chí phải.

Nghe đâu về sau, có người học đòi mà can chúa nên nghỉ ngơi để lo dưỡng sức vì sức khỏe của chúa cũng là tài sàn của xã tắc, phung phí vào sự cần mẫn thái quá, thiệt cho trăm họ lắm thay!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)